TS Trần Du Lịch: 'Cứ phân lô bán nền, Đà Nẵng không thể phát triển'

Theo TS Trần Du Lịch, quy hoạch của Đà Nẵng phải có không gian công cộng, cây xanh. Còn cứ phân lô bán nền, xây dựng nhà phố thì thành phố này không thể phát triển.

Ngày 23/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo đóng góp ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore, đơn vị tư vấn quy hoạch chung TP Đà Nẵng), quy hoạch tổng thể hiện tại của Đà Nẵng thiếu chiến lược về cơ sở hạ tầng, thiếu sự kết nối với vùng nông thôn. Đà Nẵng không có phát triển quy hoạch phía nam. Hệ thống giao thông không có sự phân cấp và cũng không còn nhiều đất dự trữ để phát triển.

Quy hoạch Đà Nẵng đang bộc lộ bất cập

Đại diện đơn vị tư vấn cho rằng trong quy hoạch mới, Đà Nẵng cần phải mở rộng kết nối vùng, hợp tác tiềm năng của các sân bay, cảng biển.

Cụ thể, đối với sân bay, Đà Nẵng nên lựa chọn phương án giữ nguyên vị trí hiện tại và mở rộng nhằm tăng tải trọng hành khách, kết nối tốt với các sân bay lớn của cả nước.

Đối với cảng biển, cần sớm xây dựng cảng Liên Chiểu và có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với sân bay, ga đường sắt…

TS Trần Du Lịch: 'Cứ phân lô bán nền, Đà Nẵng không thể phát triển' - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: Đoàn Nguyên).

TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP HCM, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định sau thời gian phát triển "nóng", không gian đô thị của địa phương này đang bộc lộ bất cập. Giao thông Đà Nẵng không có chỗ cho xe buýt chạy, bởi "có chỗ nào đậu đâu, xe buýt đậu là không còn ai đi được nữa”.

"Bây giờ Đà Nẵng đang tốt nhưng ít năm nữa cũng sẽ giống như Hà Nội, TP HCM. Đó là vẫn nhà ống, vẫn xe máy, kẹt xe, ngập lụt… ", ông Lịch khuyến cáo.

Đà Nẵng nên đi theo mô hình "đô thị nén"

Bà Ame Engelhart, Giám đốc Văn phòng SOM tại Hong Kong đề xuất giải pháp Đà Nẵng nên đi theo mô hình "đô thị nén", tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh thay vì phát triển tràn lan.

Theo đó, thay vì hướng ra ngoài, Đà Nẵng cần có chiến lược quay về lõi nội đô. "Đà Nẵng nên phát triển khu vực nội đô theo thiết kế thông minh, còn khu vực đồi núi nên được bảo tồn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững", bà Ame Engelhart góp ý.

Đồng tình, tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng nếu Đà Nẵng thống nhất quy hoạch "đô thị nén" thì phải có không gian công cộng, cây xanh. Còn cứ phân lô bán nền, xây dựng nhà phố như hiện nay sẽ không thể phát triển được.

“Chúng ta làm quy hoạch xong phải thành quyết định không thể thay thế được. Nghĩa là, tránh tình trạng cứ nhiệm kỳ sau sửa quy hoạch hoặc điều chỉnh theo kiểu đẽo chân cho vừa giày”, ông Lịch nói.

TS Trần Du Lịch: 'Cứ phân lô bán nền, Đà Nẵng không thể phát triển' - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng quy hoạch Đà Nẵng đang bộc lộ bất cập. (Ảnh: Đoàn Nguyên).

TS Trần Du Lịch đưa ra hai vấn đề cốt lõi cần lưu ý trong điều chỉnh quy hoạch của Đà Nẵng. Thứ nhất, trong đề án quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phải dựa trên nền tảng đô thị đã hình thành để có phương án giải quyết.

Thứ hai, lãnh đạo địa phương phải bám sát Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, phải đặt Đà Nẵng trong chuỗi đô thị phát triển dọc biển miền trung từ Huế đến Quy Nhơn (Bình Định).

Đi vào một số vấn đề cụ thể, ông Lịch góp ý phải tồn tại hai sân bay song song của cả vùng là Đà Nẵng và Chu Lai (Quảng Nam). "Tức là sân bay Đà Nẵng như sân bay Haneda, còn Chu Lai như Narita (đều của Nhật Bản), chứ không phải bỏ cái này làm cái kia", ông Lịch nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.