Xác định được tầm quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng, các địa phương cần xem việc liên kết vùng là động lực cho sự phát triển của mình cũng như các tỉnh thành trong vùng, của cả nước. Từ đó, xác định được các mục tiêu, giải pháp cụ thể để hoàn thiện thể chế cũng như các kênh liên kết phù hợp, hiệu quả cao.
Hoàn thiện cơ chế
Mục tiêu Nghị quyết 57/NQ-CP của Chính phủ ngày 22/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, nêu rõ: hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của chính quyền Trung ương, tạo kênh thông tin, thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế liên kết vùng nhằm phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các vùng gắn với liên kết các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; đổi mới phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, xây dựng cơ chế liên kết phát triển Vùng cần có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch Vùng theo Luật quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
Để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển như các tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam Bộ, Tiến sỹ Trần Du Lịch gợi mở, Chính phủ cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương thuộc “tứ giác phát triển” gồm Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo cơ chế: giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương; ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật ngân sách trong 5 năm. Địa phương được hoàn toàn tự chủ chi phần ngân sách địa phương. Phần ngân sách Trung ương hỗ trợ như đầu tư do Trung ương kiểm soát. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm cũa HĐND và tính công khai minh bạch về ngân sách.
Nhận định muốn cắt giảm chi phí cho nông sản bằng cách liên kết ổn định sản lượng hàng hóa và logistics, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Fohla) cho rằng, tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có. Theo đó, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất - thu hoạch cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản.
Từ những vấn đề thực tiễn hiện nay, theo ông Nguyễn Phương Lam, cần nhận dạng Đồng bằng sông Cửu Long là một tổng thể nên những gì liên quan đến lợi ích hay thách thức của đồng bằng đều là chung, cần sự hợp tác như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước… Dứt khoát phải cần sự hợp tác của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. “Một yếu tố mà chúng tôi quan sát được hiện nay chúng ta không có, đó là thương hiệu chung Mekong Delta với hệ thống cơ sở dữ liệu chung nối kết với các cơ sở dữ liệu của thương mại Việt Nam”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Đa dạng trong liên kết
Thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết kinh tế, chuỗi sản phẩm. Theo đó, cần định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận; định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang quy mô vùng.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: sau 20 năm nghiên cứu và quan sát, tôi cho rằng cơ chế quan trọng nhất của liên kết chính là liên kết thị trường, kết nối các tác nhân của thị trường, nông dân – doanh nghiệp. Dù hô hào địa phương hợp tác, có các biên bản ghi nhớ với nhau, với thành phố nhưng mỗi năm cũng chỉ gặp nhau một lần. Liên kết thị trường là nhu cầu thiết thân, đối với doanh nghiệp thì đó chính là xương sống. Doanh nghiệp chính là trung tâm của liên kết này, hỗ trợ cho thông tin, logistic… Tóm lại nếu xây dựng thị trường theo hướng này sẽ làm cơ sở cho liên kết của đồng bằng.
Từ những nghiên cứu thực tế của mình liên quan đến nguồn nhân lực của Đồng bằng sông Cửu Long, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV, đề xuất: đầu tiên, đó là chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng. Vấn đề quy hoạch vùng và quản trị vùng phải bài bản từ ngay chỗ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải nhìn lại xem quy hoạch và chiến lược chung cho Đồng bằng sông Cửu Long cho cả vùng và quản trị cả vùng.
Cùng với đó, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình nhấn mạnh đến vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt cho vùng, trước hết là Tp. Hồ Chí Minh và sau đó là Cần Thơ. Tp. Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng nhân lực, vật chất của đồng bằng nhưng thể hiện trách nhiệm với đồng bằng như thế nào? Từ đó, Tp. Hồ Chí Minh phải có chiến lược rõ ràng. Thứ nhất phải chuyển giao kiến thức; thứ hai phải chuyển dần những ngành gia công đơn giản về đồng bằng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy; cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực. Bên cạnh đó, phát triển cảng biển gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cản cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Cùng quan điểm này, bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Tân Cảng Sài Gòn cung cấp phương tiện nhưng hạ tầng logistic bị “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế cả đường bộ lẫn đường thủy nên đã ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp logistic. Vì vậy, cần thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ là cơ hội logistic và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, các địa phương.
Một trong những giải pháp để thúc đẩy liên kết, đa dạng các hoạt động liên kết được nhiều chuyên gia nghiên cứu đề xuất, đó là tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trong việc thực hiện các liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nông dân, điều này giúp cho các doanh nghiệp, nông dân trong vùng tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn.
Ghi nhận thực tế thời gian qua tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu ở nước ta cũng đã tham gia vào các hoạt động liên kết trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, du lịch… Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long và 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã ký liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa với diện tích 60.000 ha. Việc đưa nhiều nhóm nội dung thiết thực vào bản ghi nhớ được nhiều người kỳ vọng đây là viên gạch nền cho sự phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cho biết, bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, các nội dung liên kết còn thống nhất cùng nhau xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và tham gia thị trường lúa gạo thế giới.
Cụ thể, xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, vừa giúp nông dân gia tăng lợi nhuận từ việc trồng lúa nhờ giảm chi phí đầu vào khi canh tác trên cánh đồng lớn, có giống tốt, tăng năng suất, vừa giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Về phía mình, Tập đoàn Tân Long đã đầu tư Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á và ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng thông minh.
Trong lĩnh vực hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thời gian qua các tỉnh thành ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tích cực có nhiều hành động cụ thể như thúc đẩy triển khai xây dựng phương án thực hiện các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau…
Có thể nói, trong điều kiện cả nước đang bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau một thời gian dài “căng mình” chống dịch COVID-19, việc các địa phương “ngồi lại” với nhau để cùng hành động hướng đến một mục tiêu chung, “liên kết để cùng đi xa”, phát triển bền vững hơn.