Ngành Sư phạm hút thí sinh
Trong buổi tư vấn chuyên sâu về nhóm ngành Khoa học xã hội - Sư phạm - Nông lâm – Y dược tại ngày hội tuyển sinh 2017 tổ chức tại ĐHQG TP HCM ngày 12/2 vừa qua, các câu hỏi từ học sinh chủ yếu xoay quanh nhóm ngành Khoa học Xã hội – Sư phạm. Đặc biệt, ngành Sư phạm Tiểu học được quan tâm hơn cả.
PGS. TS Nguyễn Kim Hồng – hiệu trưởng ĐH Sư Phạm TP HCM cho biết: “Sư phạm Tiểu học là ngành học khá thu hút thí sinh ở ĐHSP TP HCM nhưng nhà trường chỉ tuyển 150 -200 bạn, nên năm nào tỉ lệ chọi cũng cao, có năm tỷ lệ 1/36 . Giáo viên Tiểu học thường phù hợp với những bạn nữ, nhưng muốn theo học ngành này các bạn phải có lòng yêu nghề, học lực khá – tốt. Do đó, các thí sinh chọn ngành học này cần cân nhắc kỹ”.
Nhóm ngành Khoa học xã hội - Sư phạm - Nông lâm - Y dược có buổi tư vấn cho học sinh chiều 12/2. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Th.S Huỳnh Tổ Hạp – Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học Sài Gòn cũng cho biết ngành Giáo dục tiểu học của trường thu hút rất nhiều thí sinh, xuất phát từ nhu cầu rất lớn của xã hội.
Nằm trong nhóm ngành xã hội, ngành tâm lý học cũng hút sự quan tâm của nhiều học sinh. PGS. TS Nguyễn Kim Hồng đã giúp các thí sinh có cái nhìn rõ hơn: “Những hình ảnh đẹp mà chúng ta thấy trên phương tiện truyền thông về ngành Tâm lý không phải lúc nào cũng vậy. Ngành này đòi hỏi lắng nghe, chia sẻ nhiều. Người làm ngành này vẫn thường thức dậy 12h đêm, 1, 2h sáng để nghe các cuộc gọi cần tư vấn”. Tâm lý học cũng nằm trong Top những ngành cao điểm của Đại học Sư Phạm TP HCM.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH &NV cho biết đây là một ngành học đòi hỏi những yêu cầu nhất định. “Đa số chọn ngành tâm lý vì lý do thích được lắng nghe người khác... Tuy nhiên, đó chỉ là sở thích. Khi chấp nhận học và xem đó là một nghề để đi làm mọi chuyện sẽ khác. Nghề này đòi hỏi kiến thức, khả năng trải nghiệm, vốn sống của bạn...
Ngoài ra, khả năng quan sát cực tốt những vấn đề tâm lý, xã hội đòi hỏi phải có sự nhạy cảm nhất định. Khi học ở trường, thầy cô sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức nhất định. Tuy nhiên để theo nó cần năng khiếu và trải nghiệm", ông Hạ "cảnh báo" các thí sinh. Vị Phó Hiệu trưởng này cho biết thêm, sinh viên những năm trước của trường KHXH&NV học khá tốt và thường chọn được việc theo mong muốn của mình khi ra trường.
Kinh tế - Luật – Ngân hàng: Nhu cầu nhân lực sẽ còn tăng cao
Đại diện của các trường ĐH lớn như ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngân hàng TP HCM, ĐH Kinh tế luật ĐHQG TP HCM, ĐH Luật TP HCM, ĐH Tài chính – Marketting đã giải đáp băn khoăn cho học sinh về nhu cầu việc làm từ nhóm ngành này.
Các ngành về Kinh tế - Luật - Ngân hàng được dự đoán sẽ có nhu cầu tăng cao nhân lực trong thời gian tới. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Nhận xét về nhu cầu thực của nhóm ngành Kinh tế - Luật – Ngân hàng hiện nay, ThS Hứa Minh Tuấn – Phó hiệu trưởng ĐH Tài chính – Marketting cho biết: “Năm 2007 – 2008, hệ thống ngân hàng cả thế giới bị khủng hoảng kinh tế. Năm 2011, 2012 Bộ GD& ĐT nước ta hạn chế các trường mới thành lập không cho phép mở ngành Quản trị kinh doanh. Chính vì vậy, tâm tư của phụ huynh, học sinh càng thêm lo lắng, đặt câu hỏi: đăng kí học sau 4 – 5 năm cơ hội việc làm như thế nào?”.
Giải đáp cho câu hỏi này, Th.S Hứa Minh Tuấn cho rằng, từ 2015 trở đi, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc. “Năm 2016 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã đặt trọng tâm đây là năm khởi nghiệp, cần nhiều doanh nghiệp đầu tư, cần có hệ thống quản lý đồng bộ trong đó mạnh nhất là khối ngành kinh tế.
Để đi đôi với khởi nghiệp 2016, tôi thiết nghĩ từ đây đến những năm sau, sự phát triển của những khối ngành này sẽ cần nhu cầu nhân lực – nhất là nhu cầu nhân lực quản trị các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, trong quá trình điều hành doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho các em học sinh”, Th.S Minh Tuấn nhận định.
ThS. Hứa Minh Tuấn cũng cho rằng đây là bức tranh chung của khối ngành Kinh tế - quản lý – Luật – Ngân hàng từ 2017 trở đi.