Tuổi 45 tràn đầy năng lượng

Ở tuổi 45, TP HCM hiện có hơn 250 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm xấp xỉ 1/3 của cả nước.
Tuổi 45 tràn đầy năng lượng - Ảnh 1.

Lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Sài Gòn ấy là vào dịp tháng 5/1979. Đặt chân thôi, nhưng tôi chưa kịp cảm nhận nhiều về một thành phố trẻ chưa bình phục sau nạn binh đao. Là những người lính tình nguyện, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Campuchia, nơi mà ngọn lửa chiến tranh vẫn âm ỷ cháy với sứ mệnh làm cho nó không thể bùng phát trở lại.

Ấn tượng của tôi lúc đó Sài Gòn là thành phố năng động, hàng hóa nhiều, dịch vụ phong phú, điều này khác hẳn với sự khan hiếm hàng hóa kéo dài của các tỉnh phía Bắc. Cùng với sự nhộn nhịp của những khu chợ nửa quê nửa tỉnh đông đúc là những chiếc xe lam nhỏ gọn đi lại như con thoi, tiếng nổ rất giòn và xả khói mù mịt.

Mấy năm sau rời quân ngũ, trở về trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng là lúc mà nền kinh tế đất nước rơi vào thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng. Trên giảng đường đại học, các giáo sư chuyên ngành được bật đèn xanh, lần đầu tiên khẽ khàng nói về một nền kinh tế nhiều thành phần. Theo đó, kinh doanh là quyền chính đáng của mỗi người dân chứ không chỉ là độc quyền của quốc doanh và tập thể. 

Để dẫn chứng cho luận điểm đó, thầy giáo dạy môn kinh tế chính trị đã lấy Sài Gòn làm dẫn chứng sống, rằng thành phố hơn năm triệu dân nhưng người dân vẫn không bị đói, chỉ vì người dân được phép mua gạo theo giá thị trường mà không bị các trạm kiểm soát thị trường tịch thu.

Thầy giáo dạy môn kinh tế chính trị đã lấy Sài Gòn làm dẫn chứng sống rằng, thành phố hơn năm triệu dân nhưng người dân vẫn không bị đói, chỉ vì người dân được phép mua gạo theo giá thị trường mà không bị các trạm kiểm soát thị trường tịch thu".

Mãi sau này, các chuyên gia kinh tế mới tổng kết đó là cách làm của một thành phố năng động, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ nhu cầu thực của người dân để tạo dựng môi trường kinh doanh phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân mà không bị nô dịch bởi những lí luận xơ cứng, cũ kĩ được nhập khẩu từ các nước phương Tây. 


Sài Gòn trẻ trung, Sài Gòn nhanh chóng chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại rồi Sài Gòn tiên phong đột phá vào những thành trì cũ kỹ tồn tại qua nhiều năm chiến tranh để rồi Sài Gòn trở thành điểm sáng trong công cuộc đổi mới và hội nhập. 


Một thời gian dài, Sài Gòn là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, không những chỉ là nơi khởi phát ý tưởng về đổi mới, mở cửa mà Sài Gòn còn là nơi tạo ra xấp xỉ 30% GDP của cả nước, và cũng là nơi đóng góp ngót 1/3 ngân sách quốc gia. Sài Gòn là một trong những điểm sáng tiên phong về thặng dư ngân sách và là nơi đóng góp nhiều nhất cho nhu cầu chi tiêu quốc gia. 


Năm 1997, khi đã trở thành Nhà báo, tôi có dịp trở lại Sài Gòn với niềm phấn khích cao độ. Hồi đó, báo chí đã đưa tin về việc một nhà đầu tư từ Đài Loan đã đầu tư khu chế xuất đầu tiên ở Tân Thuận. Rồi sau đó, cũng chính ông này đã đầu tư xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh nối Tân Thuận với các tỉnh miền Tây. Đổi lại, công ty này được cấp hơn 500 héc ta đất để xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. 


Mượn con xe hai bánh, chúng tôi chạy qua cầu Khánh Hội về hướng Nhà bè. Nam Sài Gòn hồi đó đường rất xấu, hai bên đường là những khu rừng ngập nước chỉ có dừa nước và sú vẹt. Thi thoảng bắt gặp những người dân chèo ghe ba lá đi thả ống lươn, cuộc mưu sinh của họ vẫn tạm bợ trong những căn nhà lợp lá. Trao đổi với anh bạn, tôi bày tỏ sự ái ngại với ông Lawrence S.Ting, Chủ tịch của Công ty Phú Mỹ Hưng rằng, có gì sai sai ở đây?


Nay có dịp trở lại chốn cũ, thật không thể tin nổi vào mắt mình. Khu đầm lầy hoang dại ngày xưa đã biến mất, thay vào đó Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thoáng đãng rợp bóng cây xanh, hiện đại không kém gì các khu đô thị ở châu Âu. 


Cùng với Phú Mỹ Hưng, Thành phố còn có rất nhiều khu đô thị mới khác như Vinhomes Golden River; Vinhomes Central Park, Sala Đại Quang Minh, Lakeview City... đã chuyển mình lột xác trở thành những khu đô thị kiểu mẫu, nổi bật nhất Việt Nam, là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao, tri thức, là một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí.  Một đô thị có đầy đủ hạ tầng cần thiết, chức năng hoàn chỉnh với một cộng đồng dân cư hiện đại.

Bốn mươi lăm năm, TP HCM không chỉ lớn mạnh về quy mô mà còn về chất lượng sống. Không gian đô thị và giao thông của Thành phố đã phát triển về cả chiều dài, chiều rộng, bề sâu và độ cao với những con đường mới vươn trên vùng đất sình lầy xưa, những đại lộ mới đang thay thế dần những con đường gập ghềnh đầy ổ gà".


Những con kênh đen đầy rác và xác súc vật nay không còn nữa, thay vào đó là những dòng sông nội đô được cải tạo với bờ kè và đường đi dạo thông thoáng…


Cùng với việc gia tăng dân số gần gấp 3 lần so với 45 năm trước, Thành phố nay cũng đang sở hữu những đại lộ rất đẹp. Đáng chú ý trong số đó là đại lộ Phạm Văn Đồng, ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc và đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức rồi thông với quốc lộ 1A. Đại lộ này với chiều dài hơn chục cây, rộng 12 làn xe được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Đông Bắc với trung tâm TP HCM

Không chỉ kết nối nhanh vào trung tâm, tuyến đường này còn có thể dễ dàng di chuyển đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua quốc lộ 1A.

Cùng với những công trình kiến trúc được xây dựng mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Thành phố cũng làm rất tốt việc bảo tồn môi sinh. Rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những diện tích rừng hiếm hoi của Thành phố được phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh. 

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, để đảm bảo an ninh cho Sài Gòn, người Mỹ đã tàn phá Rừng Sác bằng cách rải chất diệt cỏ khiến rừng bị hủy diệt, biến nhiều vùng thành các bãi hoang, trảng trống. Đất nước hết chiến tranh, người dân Sài Gòn và bộ đội quyết tâm trồng lại rừng. Hàng chục ha rừng Sác hồi sinh. Sau hơn bốn mươi năm nỗ lực khôi phục, Rừng Sác giờ đây là rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở lại xanh tốt như xưa, tạo nên cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.

Ở tuổi 45, Thành phố hiện có hơn 250 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm xấp xỉ 1/3 của cả nước. Liên tục trong mấy chục năm qua, Thành phố vẫn tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu số 1 về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển về quy mô, tầm vóc, Thành phố cũng đang đối mặt với những vấn nạn của một đô thị phát triển quá nhanh mà hạ tầng không được đầu tư tương thích.

Ở tuổi 45, Thành phố hiện có hơn 250 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm xấp xỉ 1/3 của cả nước. Liên tục trong mấy chục năm qua, Thành phố vẫn tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu số 1 về phát triển kinh tế".

Hàng loạt tuyến đường huyết mạch, cũng như các nút giao thông lớn tại Thành phố thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông dẫn đến chậm phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường. 

Theo các chuyên gia đô thị, hạ tầng giao thông ở TP HCM hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với quy hoạch phát triển giao thông của TP. Các công trình hạ tầng, đường xá, cầu cống chật hẹp, xuống cấp. 

Quá trình xây dựng chậm chạp, đình trệ.

Cũng do sức hấp dẫn của Thành phố ngày một tăng, lượng dân cư từ các tỉnh tập trung về ngày một đông, số phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng đã trở thành "gánh nặng" cho hạ tầng giao thông. Một bộ phận dân cư thiếu việc làm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh, bán hàng rong, quà vặt. Những hiện tượng này cũng góp phần làm cho môi trường của thành phố rất khó cải thiện.

Bỏ qua những tồn tại khó tránh khỏi, TP HCM vẫn là trung tâm về thương mại, khoa học - công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực,…của cả nước. Ở tuổi 45, dẫu không giữ được đà tăng trưởng hàng năm ở hai con số nhưng TP HCM vẫn là thành phố dẫn đầu cả nước ở nhiều phương diện. 

Hơn thế, Thành phố vẫn tràn đầy năng lượng để làm đầu tàu về kinh tế, không chỉ là số 1 của cả nước mà còn là của cả khu vực.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.