Những dịch vụ kinh doanh nào tại TP HCM vẫn phải tiếp tục dừng hoạt động?

Cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ, spa, vật lí trị liệu, massage, xông hơi; vũ trường, quán bar, pub, beer club; karaoke, hát với nhau, rạp chiếu phim, game online; phòng gym tại TP HCM chưa được mở cửa từ sau ngày 23/4, phải tiếp tục ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Theo quyết định mới nhất của UBND TP HCM công bố sau khi được Thủ tướng đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, TP HCM cho biết từ ngày 23/4, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của ngành y tế.

Theo đó, không phải tất cả loại hình kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP HCM đều được phép hoạt động trở lại từ ngày 23/4. UBND TP HCM chỉ rõ một loạt dịch vụ phải tiếp tục tạm ngừng hoạt động cho đến khi có chỉ đạo, hướng dẫn mới.

Vũ trường, quán bar, beer club tiếp tục đóng cửa

Nhóm cửa hàng, dịch vụ được yêu cầu tiếp tục tạm ngưng hoạt động là vũ trường, quán bar, pub, beer club. Đây cũng chính  là những nhóm dịch vụ phải đóng cửa sớm nhất tại TP HCM thời gian qua.

Dịch vụ nào tại TP HCM buộc phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới? - Ảnh 1.

Vũ trường, quán bar, pub, beer club tiếp tục đóng cửa chờ thông báo mới. (Ảnh: Phúc Minh).

Giữa tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước, trong khi số ca dương tính với Covid-19 ngày càng tăng, UBND TP HCM đã quyết định tạm đóng cửa nhóm dịch vụ này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/3.

Tính đến nay, nhóm dịch vụ này trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động hơn 1 tháng.

Tại TP HCM, các vũ trường, quán bar, pub, beer club… tập trung nhiều nhất tại khu Phố Tây Bùi Viện (quận 1) và nhiều khu vực khác tại các quận trung tâm.

Chiều 22/4, khi có tin sẽ được nới lỏng sau thời gian cách li xã hội, một số điểm kinh doanh tại khu phố Tây cũng bắt đầu dọn dẹp với hi vọng được mở bán lại. Tuy nhiên, với quyết định mới nhất của UBND TP HCM, nhóm vũ trường, quán bar, pub, beer club phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới nhất.

Cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ, spa, vật lí trị liệu, massage, xông hơi tiếp tục đóng cửa

UBND TP HCM quy định các cửa hàng, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ, spa, vật lí trị liệu, massage, xông hơi tiếp tục ngưng hoạt động.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đã có công văn khẩn gửi UBND 24 quận huyện, yêu cầu tiếp tục tạm ngưng hoạt động các cơ sở phẫu thuật thẩm mĩ, vật lí trị liệu từ ngày 23/4.

Riêng cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư, sau thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, Sở Y tế cho phép các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được hoạt động trở lại. 

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện các quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM về việc mang khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Karaoke, hát với nhau, rạp chiếu phim, game online cũng tiếp tục ngưng hoạt động

Cũng trong quyết định của UBND TP HCM ngày 23/4, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, karaoke, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game-online) phải tiếp tục ngưng hoạt động.

Dịch vụ nào tại TP HCM buộc phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới? - Ảnh 2.

Karaoke, hát với nhau tiếp tục ngưng hoạt động. (Ảnh: Phúc Minh).

Ghi nhận tại các điểm kinh doanh thuộc các dịch trên hiện vẫn đóng cửa hơn 1 tháng qua và chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại. 

Một điểm kinh doanh karaoke trên đường Phan Xích Long để bảng thông báo ngày bắt đầu tạm dừng hoạt động nhưng chưa biết ngày được mở trở lại.

Phòng gym tiếp tục đóng cửa

Ngoài ra, danh sách các dịch vụ tiếp tục tạm ngừng hoạt động còn có các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà.

Như vậy, với quyết định này, các phòng gym phải tiếp tục đóng cửa. Thời gian qua, khi dịch vụ này đóng cửa, nhiều người đã chọn cách chạy bộ, tập thể thao tại nhà hoặc công viên, khu vực công cộng.

Dịch vụ nào tại TP HCM buộc phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới? - Ảnh 3.

Một phòng gym tại quận Bình Thạnh thông báo tiếp tục đóng cửa. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo quy định mới nhất của UBND TP HCM, người dân vẫn phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Homestay, AirBnb ngưng nhận khách mới

TP HCM cũng quy định các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, AirBnb cũng phải tiếp tục ngưng nhận khách mới.

Trong khi đó, các loại hình lưu trú du lịch khác vẫn được hoạt động, nhưng phải đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn TP HCM.

Tiêu chí quan trọng tại các cơ sở lưu trú phải thực hiện là công tác vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở lưu trú; đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét; bố trí phòng ở giãn cách cho khách lưu trú.

Những dịch vụ, cửa hàng nào được hoạt động?

Văn bản ngày 23/4 của UBND TP HCM chỉ rõ những cửa hàng, dịch vụ không thuộc các lĩnh vực được nêu bên trên thì được phép hoạt động.

Tuy nhiên, phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định của Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 do TP HCM ban hành. Nếu đảm bảo điều kiện an toàn theo các ngưỡng nhất định của từng loại hình kinh doanh thì được phép hoạt động.

Dịch vụ nào tại TP HCM buộc phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới? - Ảnh 4.

Hàng quán được hoạt động lại nhưng phải giãn cách tối thiểu 1 mét. (Ảnh: Phúc Minh).

Đơn cử, nhà hàng, quán ăn tại TP HCM được phép hoạt động trở lại từ ngày 23/4, sau đúng 3 tuần tạm ngừng kinh doanh do thực hiện cách li xã hội. 

Tuy nhiên, TP HCM quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo được khoảng cách tối thiểu giữa 2 khách là 1 mét, người phục vụ đeo khẩu trang, có nước sát khuẩn tay cho khách.

Đáng chú ý, hoạt động được TP HCM nới lỏng, cho hoạt động lại là các trung tâm thương mại, nhưng bắt buộc phải đảm bảo có bồn rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tại các lối ra vào, quầy thu ngân… có bảo vệ kiểm soát, nhắc nhở khách đeo khẩu trang, rửa tay. Nếu không đảm bảo các yêu cầu này buộc phải đóng cửa.

Riêng các dịch vụ thiết yếu như chợ, siêu thị, tiệm tạp hoá, nơi phân phối thực phẩm, hàng thiết yếu, cửa hàng xăng dầu, gas, nhà thuốc... vẫn được hoạt động bình thường để phục vụ người dân.

Tiệm tóc không nằm trong nhóm ngành làm đẹp, được mở cửa trở lại

Trong nhóm ngành làm đẹp không được phép kinh doanh trở lại, các tiệm cắt tóc vẫn được mở cửa, do được xếp vào dịch vụ nhu cầu thiết yếu. 

Chiều 24/4, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết cắt tóc được xem là nhu cầu thiết yếu chứ không phải là hoạt động làm đẹp, nên không bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, thời gian này vẫn đang trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, các cửa hàng cắt tóc được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn phải tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch. 

Nghĩa là, các tiệm cắt tóc vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 15 của Chính phủ, không được tập trung quá đông và phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.