Giám đốc Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuyết trình - Ảnh: LÊ NAM
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 1-11, tại buổi nói chuyện với các nhà báo khu vực Đông Nam Á diễn ra ở Singapore, ông Brooks Entwistle - Tổng giám đốc kinh doanh Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết Uber rất muốn hợp tác với các công ty taxi ở Việt Nam và xem đây là phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty này.
Đây là một phần trong buổi công bố đánh giá của công ty tư vấn The Boston Consulting Group (BCG) với Uber về chia sẻ đi lại (ridesharing) ở các thành phố châu Á tổ chức ngày 1-11 tại Singapore.
Ông Brooks Entwistle cho biết VN là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng của Uber trong khu vực. Trong tuần sau ông sẽ đến Hà Nội, và đã có lịch làm việc với nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh của Uber ở VN.
"Tôi muốn làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục hợp tác tìm kiếm cơ hội làm việc dựa trên những lợi thế của các bên" Ông Brooks Entwistle |
"Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các công ty taxi tại VN để cùng phát triển. Việc hợp tác này nhăm giảm tỉ lệ xe trống lưu thông trên đường phố, hạn chế tắc nghẽn giao thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đang sẵn có trong tình hình ngày càng nhiều xe trống lăn bánh trên đường phố. Chúng tôi muốn cùng với họ hợp tác để phát triển kinh doanh chứ không phải chống lại họ", ông Entwistle nhấn mạnh.
Theo ông Brooks Entwistle, vào cuối tháng 10-12017, Uber đã hợp tác với ba công ty taxi lớn ở Đài Bắc (Đài Loan) để các lái xe taxi sử dụng và chia sẻ nền tảng dịch vụ của Uber và đây sẽ là một trong hướng phát triển chính ở các thành phố Đông Nam Á trong thời gian tới.
Theo báo cáo của BCG, lượng ôtô lưu thông trên đường tại các quốc gia Đông Nam Á sẽ ngày càng nhiều trong vài năm tới dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong giờ cao điểm.
Khảo sát cho thấy có 81% người dân ở TP.HCM và 79% người dân ở Hà Nội cho biết có nhu cầu mua ôtô trong 5 năm tới.
Báo cáo của BCG cũng cho thấy Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có tốc độ gia tăng kẹt xe lớn nhất trong 10 thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn thời gian đi lại cho một chuyến đi lúc bình thường ở Hà Nội là 30 phút và lúc cao điểm là 70 phút, tăng đến 134% và thời gian chờ đợi ở Hà Nội là 40 phút. Tương tự thời gian di chuyển trên cùng một quãng đường trong giờ cao điểm ở TP.HCM cao hơn 112% so với một chuyến đi bình thường.
Cũng theo báo cáo của BCG, tình trạng kẹt xe trên đường khi áp dụng chia sẻ, dùng chung xe đã giúp giảm lượng xe lưu thông ở các thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Singapore đã giảm đến 77%, Kuala Lumpur (Malaysia) giảm 91%, Jakarta (Indonesia) giảm 51%, Bangkok (Thái Lan) giảm 92%, Manila (Philippines) giảm 88%, Surabaya (Indonesia) giảm 72%...