Tuy nhiên, riêng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng do khối lượng rất lớn, nguồn gốc hình thành phức tạp, được giao cho nhiều đầu mối. Trong khi đó, các quy định pháp luật về quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chồng chéo, nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực trạng dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Cùng đó, quản lý nhà đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn còn nhiều khó khăn trong khi phạm vi điều chỉnh, cơ chế xử lý hành chính để thu hồi nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích và việc hướng dẫn xử lý chuyển tiếp tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công chưa được hướng dẫn giải quyết (Nghị định 167). Điều này đã ảnh hưởng đến việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Để tăng cường quản lý nhà nước về tài sản công; trong đó có nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, thời gian qua, thành phố đã kiên quyết xử lý, thu hồi đối với nhà đất sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, kém hiệu quả. Từ đó, tạo ra quỹ nhà đất dôi dư để thực hiện bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tạo nguồn bổ sung vào ngân sách nhà nước.
UBND TP HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát, cập nhật thông tin liên quan đến pháp lý sử dụng đất, thống kê toàn bộ quỹ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cũng như đánh giá thực trạng hiệu quả quản lý, đề xuất biện pháp thu hồi đối với những dự án chậm triển khai, dự án treo, dự án không triển khai thực hiện; tham mưu ban hành biểu giá cho thuê, sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy TP HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, UBND thành phố thực hiện kiểm kê, rà soát để xác định số lượng, diện tích, mục đích và hiện trạng sử dụng; kịp thời sắp xếp, xử lý, đề ra giải pháp quản lý thống nhất, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 167. Việc sửa đổi theo hướng bổ sung quy định cụ thể các loại nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định 167 gồm: nhà, đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác; đất thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, nhà đất là sản phẩm hàng hóa của dự án kinh doanh bất động sản…
Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện và thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất là doanh nghiệp kinh tế Đảng cũng cần được bổ sung cùng với cơ chế xử lý hành chính để thu hồi đất thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, sửa đổi việc xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định.
Ngoài ra, UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định về việc xác định, thẩm định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với tài sản nhà nước để làm cơ sở tổ chức thực hiện thống nhất.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, số nhà, đất đã được kiểm kê tính đến cuối năm 2020 trên địa bàn thành phố là 6.014 khu đất, tương đương 4.540 ha với giá trị hơn 125.000 tỷ đồng và 3.675 nhà thuộc sở hữu nhà nước có giá trị hơn 9.733 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố khi tiến hành sắp xếp, xử lý lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 167.