Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên mức 1.520,2 USD/ounce. Vàng trên sàn COMEX tại New York tăng chậm hơn, chỉ 0,2% nhưng đã vượt mốc 1.530 USD/ounce.
Chốt phiên vào buổi chiều hôm qua, vàng giao ngay đã tăng 1,1%, sau đợt giảm 2% vào ngày trước đó. Vàng trên sàn COMEX cũng đã tăng 0,9%.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, cho biết tỉ lệ nắm giữ của họ đã tăng 0,91% lên 844,29 tấn chốt phiên hôm qua.
Theo đà tăng của vàng thế giới, vàng trong nước sáng nay cũng tăng trở lại mốc trên 42,1 triệu đồng. Mở phiên hôm nay, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng bán ra là 42,1 triệu đồng/lượng và mua vào với giá 41,07 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI cũng niêm yết giá mua bán vàng miếng SJC tương tự. So với hôm qua, vàng đã tăng giá 400.000 đồng ở cả hai chiều.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nâng giá mua 350.000 đồng lên 41,6 triệu đồng/lượng và nâng giá bán 450.000 đồng lên 42,05 triệu đồng/lượng.
Dù căng thẳng Mỹ - Trung phần nào hạ nhiệt nhưng tăng trưởng toàn cầu đã thật sự tổn thương vì xung đột thương mại của 2 cường quốc kinh tế. (Ảnh: Reuters).
Trong khi đó, Phú Quý niêm yết giá vàng miếng bán ra đang ở 42,15 triệu đồng/lượng.
Riêng các tổ chức tín dụng đang có giá bán kim loại quý cao ngất ngưỡng. Sacombank với giá bán ra niêm yết lúc 10h40 là 42,4 triệu đồng/lượng, tăng đến 750.000 đồng so với phiên hôm qua; trong khi giá mua vào chỉ có 40,6 triệu đồng/lượng.
Maritimebank cũng nới rộng khoảng cách mua bán với 40,5 triệu đồng/lượng mua vào nhưng bán ra đến 42,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua bán lên đến 2 triệu đồng.
Nguyên nhân khiến vàng lại leo thang là đường cong lợi suất của Kho bạc Hoa Kỳ lần đầu tiên đảo ngược kể từ năm 2007. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đã giảm xuống dưới 1,6% vào hôm qua, thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kì hạn 2 năm và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.
Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang tiến tới suy thoái.
Jeff Klearman, Giám đốc danh mục đầu tư tại GranShares, cho biết trên tờ Reuters: "Với việc các nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro báo cáo tăng trưởng âm, chúng ta có thể thấy rõ sự suy thoái. Vì vậy, vàng sẽ tạo ra sức ép, làm tăng kì vọng về những gì Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ phải làm trong việc giảm lãi suất của họ".
GDP của khu vực đồng euro hầu như không tăng trong quý II/2019. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất khu vực, Đức, tăng trưởng âm 0,1% do tranh chấp thương mại và sự không chắc chắn đối với Brexit.
Tương tự tại châu Á, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng chậm nhất trong hơn 17 năm qua. Những rủi ro suy thoái mới đã dẫn đến sự sụt giảm trong chứng khoán toàn cầu.
Đêm qua, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm 800,49 điểm, mức giảm tồi tệ nhất trong năm và là mức giảm mạnh thứ 4 mọi thời đại. Chỉ số S&P 500 giảm 2,93%, trong khi Nasdaq Composite đóng cửa giảm 3,02%.
Tình trạng bán tháo cổ phiếu để trú ẩn với vàng lan rộng đến châu Á. (Ảnh: Reuters).
Thị trường châu Á cũng bị bao trùm bởi sắc đỏ ảm đạm. Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,89%.
Tại Trung Quốc đại lục, hầu hết các chỉ số Thượng Hải đều giảm khoảng 1,08%, sàn Thẩm Quyến giảm 1,27% - 1,363%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 0,73%. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của HSBC giảm 1,7%.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 đã giảm 1,47% trong phiên sáng nay. Cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm 1,13% và Nomura giảm 1,63%.
Úc chỉ số S & P / ASX 200 cũng giảm 2,29%. Toàn ngành tài chính giảm hơn 2% khi cổ phiếu của top 4 ngân hàng lớn đều suy thoái.
Theo khảo sát của tờ CNBC, chỉ có 68,8% nhà đầu tư tin tưởng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vào tháng tới. Con số này vào vài ngày trước lên đến gần 90%.
CNBC cũng cảnh báo xu hướng bán tháo cổ phiếu cũng đã lan từ thị trường Mỹ đến các nước châu Á. Tờ Reuters dẫn lời Randy Frederick, Phó chủ tịch giao dịch của Charles Schwab, cho rằng: "Mức độ bán tháo cổ phiếu đang bị thúc đẩy bởi những diễn biến thị trường. Mà diễn biến của thị trường đang di chuyển theo đường cong lợi suất đảo ngược của Hoa Kỳ".
Tiêu dùng 05:01 | 09/10/2019
Tiêu dùng 05:28 | 07/10/2019
Tiêu dùng 19:45 | 04/10/2019
Tiêu dùng 05:38 | 04/10/2019
Tiêu dùng 05:27 | 02/10/2019
Tiêu dùng 10:50 | 01/10/2019
Tiêu dùng 10:25 | 10/09/2019
Tiêu dùng 15:42 | 06/09/2019