'Vành đai 4 TP HCM đi trên cao sẽ giải quyết vấn đề thiếu cát'

Vành đai 4 qua TP HCM, Long An, chiếm gần nửa chiều dài toàn tuyến, nếu làm trên cao sẽ ít lệ thuộc nguồn cát đắp, thi công nhanh, hiệu quả lâu dài, theo các chuyên gia.

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương liên quan, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề cập hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu đầu tư Vành đai 4 là làm cầu cạn tuyến đường đoạn qua thành phố và tỉnh Long An. Giải pháp này được đưa ra trong bối cảnh nhiều tuyến cao tốc đang gặp trở ngại lớn do khan hiếm nguồn cát đắp nền.

Theo lãnh đạo thành phố, làm đường trên cao chi phí đầu tư ban đầu có thể đắt hơn so với đi trên mặt đất, nhưng đây là giải pháp dài hạn phát huy hiệu quả dự án. Phương án cầu cạn cũng giúp công trình thích ứng tốt hơn với tình trạng sụp lún, ngập... trong điều kiện khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Hướng tuyến của Vành đai 4. (Đồ họa: Khánh Hoàng).

Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh, thành: Long An, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, toàn tuyến được nghiên cứu với tổng chiều dài gần 207 km, trong đó Long An chiếm hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP HCM 17,3 km. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một ước tính là 106.000 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đồng tình phương án làm các đoạn Vành đai 4 trên cao bởi sẽ giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp. Theo ông, phía Nam đang và sắp triển khai hàng loạt dự án cao tốc lớn, nếu tính thêm các công trình do địa phương triển khai thì "dù có lấy hết cát ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng không đủ đáp ứng". Trong khi với cường độ khai thác hiện nay dễ dẫn đến những hệ luỵ như xói mòn, sạt lở bờ sông... ảnh hưởng môi trường.

"Rất nhiều công trình đang chững lại do thiếu vật liệu cát đắp nên không chỉ Vành đai 4, việc thay đổi thiết kế cùng phương án thi công sang cầu cạn cao tốc cần được xem là giải pháp lâu dài", ông Thuận nói, cho rằng việc làm cầu cạn sẽ hạn chế được những thay đổi bất lợi về điều kiện tự nhiên ở khu vực như tình trạng lún, nước ngập... Việc này cũng giúp tăng tính ổn định, giảm rủi ro trong quá trình xây dựng và khai thác công trình.

TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, cho biết đường trên cao bản chất là cầu cạn nên giải pháp kỹ thuật sẽ phức tạp hơn đi thấp. Tuy nhiên, đường trên cao có ưu điểm là ít giao cắt với các tuyến phía dưới, giúp xe chạy thông suốt, không phải làm nhiều nút giao khác mức. Vành đai 4 TP HCM có thiết kế là cao tốc, lại không đi sâu vào đô thị (không phải tính toán yếu tố mỹ quan), nên phương án cầu cạn là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Khu vực Vành đai 4 dự kiến đi qua, thuộc địa phận huyện Củ Chi, TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Theo ông Minh, phương án trên cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công ở những đoạn đất yếu nhờ giảm thời gian chờ xử lý, gia cố nền... Ngoài ra, cầu cạn tăng khả năng thoát lũ, hạn chế gây ra sự ngăn cách giữa các khu vực. Bởi nếu đi thấp, tuyến sẽ như con đê cắt ngang ruộng đồng, đường dân sinh, ảnh hưởng đi lại, đời sống người dân.

"Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của phương án cầu cạn là chi phí đầu tư và quá trình mở rộng sau này khó khăn hơn so với đi thấp. Do vậy, việc nghiên cứu có thể kết hợp giữa đi thấp với trên cao để chọn cách khả thi nhất", ông Minh nói.

Trong khi đó, TS Phạm Viết Thuận cho rằng mức chênh lệch giữa chi phí làm cầu cạn và đắp nền thông thường phụ thuộc nhiều vào địa chất, địa hình mà tuyến đi qua. Khác vùng đồi núi, trung du, khu vực phía Nam địa chất yếu, nhiều kênh rạch. Nếu đi thấp, ngoài nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn còn phải tính đến thời gian chờ lún, bù lún trong giai đoạn đầu khai thác... Chưa kể, cùng với thi công đường chính, nhiều hạng mục liên quan cũng cần đầu tư như đường gom, cầu vượt... nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân xung quanh.

"Nếu so sánh hết những yếu tố này, tổng chi phí xây cầu cạn không lớn hơn so với công trình đắp nền thông thường, nhất là làm ở những vùng đất yếu. Giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả lâu dài nếu xét đến tính ổn định, vòng đời dự án", ông Thuận nói, dẫn chứng cao tốc TP HCM - Trung Lương, với 13 km cầu cạn đi qua các vùng địa chất phức tạp nhưng sau 14 năm khai thác không gặp vấn đề về thoát lũ và đang khai thác ổn định.

Một đoạn đi trên cao của cao tốc TP HCM - Trung Lương. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Vành đai 4 TP HCM đang được lên kế hoạch giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu và làm trước 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp. Mỗi tỉnh, thành sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn qua địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Các địa phương cùng tư vấn sẽ rà soát để thống nhất quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế đặc thù... làm cơ sở trình Quốc hội thông chủ trương tại kỳ họp giữa năm nay. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm, giúp tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối các cao tốc, quốc lộ, sân bay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh bởi ba tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76 km, đang được triển khai với kế hoạch hoàn thành năm 2026. Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP HCM, dài khoảng 64 km, còn một số đoạn chuẩn bị được đầu tư khép kín.

chọn
Tiến độ đường ven biển Nghệ An hơn 4.600 tỷ đồng
Theo kế hoạch, đường ven viển Nghệ An (Nghi Sơn - Cửa Lò) sẽ thi công nền đường xong trước ngày 30/4/2025; thi công móng, mặt đường xong trước ngày 30/6/2025; hoàn thành bàn giao dự án trước tháng 9/2025.