Vén màn hậu trường đàm phán EVFTA

Để toàn bộ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA), các nhà đàm phán EU phải lấy chính nỗ lực của Việt Nam làm cơ sở thuyết phục.
 - Ảnh 1.

Đại sứ Bruno Angelet trò chuyện với Tuổi Trẻ ngày 2/7. (Ảnh: NAM TRẦN).

Đại sứ Bruno Angelet, trưởng đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam, chia sẻ như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 2/7.

Chúng tôi có hai tay, hai chân này và giống như phải sử dụng tất cả để thúc đẩy EVFTA", Đại sứ Bruno Angelet hài hước nói về áp lực làm việc để chốt được thỏa thuận EVFTA.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết để Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU được Quốc hội Việt Nam, Nghị viện châu Âu và các nước phê chuẩn và có hiệu lực. Tuy nhiên, theo đại sứ Angelet, việc kí kết EVFTA và IPA vừa qua đã mở cánh cửa cho Việt Nam và EU gặt hái nhiều thành quả.

Từ bản báo cáo nặng 7 kg...

- Làm thế nào để hai bên dung hòa những khác biệt để đi đến thống nhất kí EVFTA và IPA, thưa đại sứ?

- Tôi cho rằng xét tổng thể, chúng ta có nhiều điểm chung khi nói về luật pháp quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, chống lại việc lạm dụng quyền lực, cũng như có điểm chung trong các chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc. Chúng ta có khác biệt trong một số vấn đề nhưng chúng ta tôn trọng khác biệt. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể hòa hợp.

Đặc biệt nói tới thương mại, chúng ta lại rất tương đồng ở quan điểm về cách thức tổ chức thương mại. Chúng ta có cái nhìn tương tự về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, cũng như cùng cách nhìn về tương lai của thương mại quốc tế và nhu cầu cải cách WTO (Tổ chức Thương mại thế giới - NV)...

Việt Nam và EU thống nhất về sử dụng cơ chế WTO để giải quyết tranh chấp. Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư là ví dụ. Trước đây, chúng ta thường tốn kém thời gian và tiền bạc cho trọng tài quốc tế để giải quyết từng trường hợp. EU trong khi đó ủng hộ cơ chế tài phán thông qua Hệ thống tòa án đầu tư (Investment Court System - ICS), mà Việt Nam là một trong các nước đầu tiên chấp thuận ICS.

- Quá trình đàm phán dài lâu và hẳn chứa không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ thêm về những trở ngại đó?

- Đúng, không thể nói mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp được. Đây là một hiệp định có độ rộng và rất phức tạp, thương lượng một lúc không chỉ với Việt Nam mà còn phải có sự đồng thuận của 28 nước thành viên EU. Hồi tháng 10/2015, chúng tôi yêu cầu nhóm phụ trách Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (MUTRAP) làm một báo cáo gửi các nước EU và Chính phủ Việt Nam, MUTRAP đưa bản báo cáo nặng cỡ... 7 kg giấy. Nó chứa đủ thứ, từ pháp lí cho tới quy định.

Năm 2015, chúng tôi quyết định xem xét liệu Việt Nam có thực hiện được hay không. Vì có một trở ngại là trong quá khứ chúng tôi đã kí những thỏa thuận mà chúng tôi không dùng được, nên giờ phải làm mọi thứ để đảm bảo thỏa thuận mới phải thực sự hiệu quả.

Các bạn có thể thấy đấy, châu Âu đã bị sốc như thế nào khi kí một thỏa thuận cuối cùng không thực hiện được, như thỏa thuận hạt nhân Iran chẳng hạn. Khi đó, nhiều người châu Âu khi bàn về EVFTA, đã nói: "Thôi, một lần là đủ rồi", vì sợ sẽ như thỏa thuận Iran khi Mỹ rút khỏi.

- Vậy làm thế nào thuyết phục được các thành viên EU, thưa ông?

- Thực ra, nhiều ý kiến ở châu Âu trước đây cũng lo ngại. Họ nói rằng "Việt Nam không làm được, quá tham vọng".

Chúng tôi thì không nói rằng mọi thứ đều ổn đâu. Nhưng chúng tôi cam kết rằng "chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẽ cho các anh thấy trước khi kí chứ không phải sau đó đâu". Kể cả khi Quốc hội Việt Nam đã cho thấy cam kết như thay đổi trong Luật lao động tháng 11/2018, chúng tôi cũng chờ tiếp xem thực thi ra sao.

Chúng tôi muốn thấy kế hoạch hành động... để có cái đưa ra thuyết phục những người đang do dự về EVFTA. Và như hôm 30/6, chúng ta đã nghe về kế hoạch hành động của Việt Nam. Điều quan trọng nhất và cũng phản ánh cái gọi là "tham vọng" khi kí EVFTA chính là cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin thế, tin rằng có thể thực thi vào ngày mai, hoặc sau ngày mai.

Mở ra cơ hội

- Việt Nam có điểm gì đặc biệt để những người ủng hộ EVFTA ở EU cố gắng như vậy cho một hiệp định, thưa ông?

- Việt Nam là địa điểm thu hút FDI rất lớn tại châu Á. EU đang ở vị trí thứ 5 trong danh sách đầu tư FDI vào Việt Nam, vì vậy chúng tôi rất muốn thúc đẩy lĩnh vực này. Nhưng nếu phân tích thế mạnh chung của Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn thấy rằng nhân khẩu học rất phù hợp và quy mô dân số nói chung. Ngoài ra, Việt Nam còn có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và cả sự hội nhập. 

Việt Nam là nước đã có rất nhiều thỏa thuận thương mại tự do... Thậm chí, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào EU trong Đông Nam Á.

- Liệu EU có quan tâm việc đa số các công ty Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên khó tiếp cận ưu đãi EVFTA? EU có kế hoạch nào truyền thông kiến thức hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như châu Âu không?

- Chúng tôi hiểu được điều này. Chúng tôi nghĩ rằng đã có nhiều nỗ lực từ Chính phủ của các bạn. Phía EU chúng tôi cũng chuẩn bị những chương trình hỗ trợ kĩ thuật cho Việt Nam để đảm bảo công ty vừa và nhỏ cũng đạt được lợi ích từ EVFTA.

 Lấy ví dụ, chúng tôi có chương trình hỗ trợ kĩ thuật cho nhóm ngành nông nghiệp, cũng như trao đổi kĩ thuật với Chính phủ, các bộ về quản lí chất lượng, giúp công chúng được truyền thông, tăng nhận thức về EVFTA... Quá trình này sẽ cần thêm thời gian.

Tương tự với công ty châu Âu, chúng tôi cũng thúc đẩy từ các công ty lớn trước, và đôi khi mất vài năm để công ty nhỏ hơn ở châu Âu biết tới cơ hội này.

Sau cùng, lợi ích sẽ tới về lâu dài. Việc kí kết EVFTA và IPA lần này là một bước ngoặt mở ra cơ hội cho cả hai. Với hiệp định tham vọng cùng EU, Việt Nam sẽ được biết tới nhiều hơn, sẽ có uy tín mạnh hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Cơ chế Hệ thống tòa án đầu tư - ICS

Khi thỏa thuận giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, các tranh chấp đầu tư sẽ được giải quyết thông qua ICS. Đại sứ Angelet cho rằng cơ chế này sẽ công bằng hơn khi sẽ có 9 thành viên là những trọng tài chuyên nghiệp được thành lập, với 3 thành viên người Việt Nam, 3 thành viên người từ châu Âu và 3 thành viên quốc tế quốc tịch khác.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.