Từ thế mạnh trở thành gánh nặng vì Covid-19, Vina Giầy ngừng hoạt động cửa hàng cả trăm m2 trên tuyến phố đắt nhất Hà Nội

Cửa hàng Vina Giầy 36 Hàng Ngang với diện tích cả trăm m2 từng là thế mạnh của doanh nghiệp đã trở thành gánh nặng tài chính trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lãnh đạo Vina Giầy đã quyết định ngừng hoạt động cửa hàng này.

Từ câu chuyện 5 cửa hàng treo biển cho thuê chỉ trong 150m phố Hàng Bông

Trên phố Hàng Bông, một trong những tuyến phố buôn bán sầm uất của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiếm khi nào người ta chứng kiến cảnh chỉ một đoạn phố dài 150 mét, có tới 5 cửa hàng treo biển cho thuê hoặc sang nhượng cửa hàng như hiện nay. 

Đây được coi là điều hiếm gặp trước thời điểm có thông tin về dịch Covid-19.

Trong khoảng 150 mét tại Hàng Bông có tới 5 cửa hàng thông báo cho thuê hoặc sang nhượng cửa hàng. (Ảnh: Minh Anh).

Chị H.T.Th, chủ một cửa hàng cho thuê ở Hàng Bông cho biết hiện cửa hàng của chị rộng 40 m2 đã sửa sang sạch đẹp, do chị không có nhu cầu kinh doanh nữa nên cho thuê với giá 40 triệu đồng/tháng, tương đương 1.000.000 đồng/m2/tháng. 

Còn anh Nguyễn T.H. (chủ một cửa hàng cho thuê) ở Hàng Bông cho biết cửa hàng của anh rộng 20 m2, trước đây cho người kinh doanh thời trang thuê với giá 1000 USD/tháng nhưng do người thuê đang báo trả mặt bằng nên anh đăng biển cho thuê.

Khi được hỏi về mức giá cho thuê, anh H. cho hay anh vẫn cho thuê với mức giá 1.000 USD/tháng (hai năm qua chưa tăng giá).

Đây cũng là mức giá phổ biến cho thuê mặt bằng kinh doanh tại con phố này, khoảng 750.000 - 1.200.000 đồng/m2/tháng, tùy vào diện tích và vị trí (gần hay xa so với Bờ Hồ).

Theo thống kê từ những tin tức rao cho thuê cửa hàng ở batdongsan.com.vn, những cửa hàng có diện tích càng lớn thì giá cho thuê tính theo mỗi m2 càng thấp. Tại tuyến phố này, mức giá nhà mặt phố dao động trong khoảng 500 - 1.000 triệu đồng/m2, tùy vị trí và bất động sản trên đất.

Tại trục phố Hàng Đào và hàng Ngang, hai tuyến phố có giá bất động sản cao nhất Hà Nội, nếu trước đây, việc có được mặt bằng kinh doanh tại đây là điều khiến nhiều người vừa nể phục vừa là sự khẳng định vị trí trong giới làm ăn thì nay, với nhiều chủ cửa hàng, đó là một gánh nặng.

Tại phố Hàng Đào, không ít cửa hàng cũng dán thông báo cho thuê, điều hiếm gặp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. (Ảnh: Minh Anh).

Tình trạng treo biển cho thuê cửa hàng tại hai tuyến phố này đã ngày càng nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở 1 - 2 cửa hàng như thời điểm cuối năm 2019. 

Thêm một chi tiết khá trùng hợp, tấm biển thông báo cho thuê cửa hàng ở số 14 Hàng Ngang trước và sau khi có thông tin về dịch Covid-19 vẫn còn.

Bà Đỗ T.T.Th (chủ một cửa hàng có biển thông  báo cho thuê ở Hàng Ngang) cho biết: "Từ khi bắt đầu thông tin có dịch Covid-19, lượng khách tới cửa hàng tôi giảm 50%. Hiện nay, khi có nhiều quốc gia có bệnh nhân nhiễm virus Corona hơn thì lượng khách giảm mạnh hơn nữa. Lượng khách của tôi giờ chỉ còn 30% so với thời điểm chưa có dịch Covid-19".

Vì Covid-19, từ thế mạnh trở thành gánh nặng, Vina Giầy ngừng hoạt động cửa hàng ở đất 'vàng' trên phố cổ - Ảnh 3.

Một đoạn phố Hàng Ngang có tới ba cửa hàng thông báo cho thuê. (Ảnh: Minh Anh).

Bà Th cũng cho hay thời điểm chưa có dịch Covid-19 với một cửa hàng ở phố Hàng Ngang có diện tích khoảng 10 m2 thì khoảng 60 triệu đồng/tháng và cũng không có vị trí mà thuê. Nhưng bây giờ chỉ 20 triệu đồng/tháng thì có khi cũng không có ai thuê. 

Lí giải việc này, bà Th cho rằng vì lượng khách du lịch giảm và người dân cũng thận trọng trước những thông tin về dịch bệnh hơn nên việc thuê mặt bằng kinh doanh không còn như trước. 

"Từ ngày tôi ở phố này là phố buôn bán (phố Hàng Ngang – PV) đến nay khoảng 40 năm, đây là lần đầu tiên, có nhiều cửa hàng cho thuê như vậy và tình trạng khó cho thuê đến như vậy. Đây là giai đoạn trì trệ và ế ẩm nhất", bà Th nói.

Đến ông lớn Vina Giầy tối ưu mặt bằng cửa hàng vì Covid-19

Có vị trí cực đẹp với diện tích cả trăm m2 tại 36 Hàng Ngang, cửa hàng của "ông lớn" Vina Giầy được nhiều người đi đường chú ý với biển hiệu lớn thu hút ánh nhìn. Để có được điều đó, Vina Giầy đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê mặt, ước tính khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng.

Covid-19 biến thế mạnh trở thành gánh nặng, Vina Giầy quyết định ngừng hoạt động cửa hàng ở vị trí vàng - Ảnh 1.

Hai nhân viên đang dọn kho của Vina Giầy 36 Hàng Ngang để chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động của cửa hàng. (Ảnh: Minh Anh).

Tuy nhiên, trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vina Giầy cũng đã có một quyết định khiến nhiều người kinh doanh trong khu vực ngạc nhiên. Đó là ngừng hoạt động cửa hàng tại địa chỉ có vị trí đẹp bậc nhất ở khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vốn được coi là một thế mạnh của doanh nghiệp trong việc tạo ấn tượng với khách hàng trong nước và nhiều du khách nước ngoài.

Xác nhận với chúng tôi, một nhân viên trực hotline của Vina Giầy cho biết: Đã có thông tin Công ty ngừng kinh doanh tại địa điểm 36 Hàng Ngang.

Còn anh N.T.T, một nhân viên của công ty Vina Giầy (xin giấu tên) chia sẻ: "Cửa hàng của công ty ở 36 Hàng Ngang ngưng hoạt động bởi giá thuê mặt bằng quá cao trong bối cảnh này. 

Covid-19 biến thế mạnh trở thành gánh nặng, Vina Giầy quyết định ngừng hoạt động cửa hàng ở vị trí vàng - Ảnh 2.

Khi ngừng hoạt động, trong 4 nhà từ 34 tới 40 Hàng Ngang sẽ có tới ba cửa hàng treo biển cho thuê. (Ảnh: Minh Anh).

Tại thời điểm dịch bệnh như thế này, công ty muốn cơ cấu lại hệ thống mặt bằng. Mọi năm không có vấn đề gì thì mình còn cố vượt qua được (chi tả tiền thuê mặt bằng - PV) nhưng năm nay tình hình dịch bệnh như thế này cũng không biết thế nào, nên mình cũng tìm cách siết chặt lại"

Anh T. cũng cho biết trong hệ thống cửa hàng của Vina Giầy, chỉ ngưng cửa hàng tại 36 Hàng Ngang, còn những cửa hàng khác thì sắp xếp lại và hoạt động bình thường.

Sau khi vất vả bê một tấm lưới thép B40 từ kho hàng của cửa hàng ra vỉa hè, một nhân viên tại cửa hàng chia sẻ: "Em đang dọn kho. Còn cửa hàng thì sẽ đóng cửa nhưng chưa có lịch cụ thể. Thông báo ngừng hoạt động cũng chỉ mới được đưa ra".

Quyết định này của Vina Giầy không chỉ gây ra sự ngạc nhiên đối với những nhân viên của cửa hàng mà còn khiến những người kinh doanh ở xung quanh Vina Giầy - 36 Hàng Ngang nhiều năm bất ngờ.

Là một trong những người như thế, bà Đ.T.T.Th cho biết: "Vina Giầy là một thương hiệu lớn có nhiều cửa hàng như vậy mà họ còn thu bớt lại. Giờ rao 100 triệu đồng/tháng thì cũng chưa chắc có ai dám thuê trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi như bây giờ".  

Khi giao thương không tốt, cửa hàng trở thành một gánh nặng

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng tác động của dịch Covid-19 đang gây ra sức ép lên hoạt động kinh doanh một cách rõ ràng.

Covid-19 biến thế mạnh trở thành gánh nặng, Vina Giầy quyết định ngừng hoạt động cửa hàng ở vị trí vàng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Lâm Tùng/Người đồng hành).

"Trong hoạt động kinh doanh, việc bỏ chi phí tạo điều kiện kinh doanh buôn bán trong đó có chi phí cửa hàng (nơi chốn tổ chức việc giao thương), rõ ràng rất quan trọng. Trong bối cảnh kinh doanh, giao thương không tốt thì cửa hàng không những không còn tác dụng mà còn trở thành gánh nặng về tài chính cho người kinh doanh.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều người đang cắt giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp cơ cấu lại, thậm chí là đóng cửa một số cửa hàng hoạt động không hiệu quả bên cạnh việc cắt giảm nhân sự", ông Đính chia sẻ 

Theo ông Đính, tiền thuê cửa hàng hiện nay là một khoản chi phí lớn và doanh nghiệp càng to, ở phố sầm uất thì chi phí càng cao. 

"Tôi thấy hiện tượng này đang phổ biến, đặc biệt những cửa hàng ở nơi vốn mua bán, giao dịch sầm uất, đông người thì bây giờ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ngành hàng bắt buộc phải có nơi trưng bày sản phẩm, giao thương thì vẫn phải duy trì cửa hàng, đặc biệt là những thương hiệu có uy tin càng cần địa điểm giao thương có đẳng cấp thì đó càng là một gánh nặng", ông Đính cho hay. 

Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng trong sự khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đối với một vài nhóm ngành hàng, đó có thể là cơ hội.

Cụ thể, ông Đính cho rằng những ngành hàng thiết yếu có thể có cách sắp xếp, tối ưu lại hoạt động kinh doanh của mình sao cho phù hợp hoàn cảnh, họ có thể kết hợp với doanh nghiệp khác để vẫn giao thương nhưng ít tiếp xúc nhất. Ví dụ như những ngành hàng thực phẩm có thể tăng cường việc mua bán hàng online. 

"Đa phần các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu, tính toán lại, cấu trúc lại những phương án kinh doanh, bộ máy kinh doanh và trong đó có tiếp tục hay không việc duy trì mặt bằng kinh doanh. Để rồi khi dịch tan thì họ sẽ bắt tay vào việc tiếp tục kinh doanh. Có thể lúc đó sẽ gọn hơn mà vẫn hiệu quả", ông Đính nói.

Cảnh nhiều cửa hàng trên phố Hàng Ngang thông báo cho thuê và Vina Giầy 36 Hàng Ngang chuẩn bị ngừng hoạt động. (Video: Minh Anh).

Trong bảng khung giá đất mới được HĐND TP Hà Nội thông qua áp dụng từ tháng 1/2020 đến 12/2024, mức giá đất giai đoạn này điều chỉnh mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.

Đáng chú ý, giá đất đô thị trong nội thành thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, giá thị trường với mỗi m2 nhà đất ở mặt phố Hàng Đào dao động khoảng 650 triệu - 1 tỉ đồng tùy vị trí. Còn ở phố Hàng Ngang, con số này dao động khoảng 640 triệu - 1,029 tỉ đồng.