Làn sóng loạt nhà hàng, quán ăn, hiệu thời trang tại TP HCM ngừng kinh doanh, trả mặt bằng được xem là một hiện tượng lạ. Bởi từ trước đến nay, mặt bằng tại quận 1 và những khu sầm uất khác như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hiếm khi nào "ế" đến vậy.
Hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán trà sữa, cửa hàng thời trang nằm tại những khu vực đắt đỏ ở TP HCM những ngày qua bỗng đóng kín, ngừng kinh doanh, bên ngoài chi chít thông báo cho thuê lại mặt bằng. Đây được cho là một hiện tượng lạ bởi mặt bằng kinh doanh tại TP HCM, nhất là những khu được mệnh danh là "đất vàng" của giới kinh doanh luôn được săn đón nhiệt tình.
Tại 2 tuyến đường hấp dẫn giới kinh doanh ở quận 1 là Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn, số lượng điểm kinh doanh trả mặt bằng từ sau Tết rất nhiều. Thực tế, ghi nhận cho thấy, một tuần đầu sau Tết, đã có cửa hàng nằm trên 2 tuyến đường này đóng cửa, ngừng kinh doanh . Tuy nhiên, gần đây, số lượng cửa hàng đóng mỗi lúc một tăng.
Thậm chí, trên đường Lý Tự Trọng, san sán những nơi 3-4 cửa hàng nằm kề rủ nhau đóng cửa.
Khảo sát cho thấy giá thuê mặt bằng tại khu vực này rất cao, dao động từ 5.000-7.000 USD/tháng, tức mỗi tháng, người thuê phải trả hơn 100 triệu đồng. Cá biệt, một số mặt bằng có diện tích lớn hơn, nằm tại ngã tư đông đúc, dễ nhìn, giá thuê lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Nhà hàng này nằm tại quận 1 vốn rất sầm uất, tuy nhiên, từ sau Nghị định 100 có hiệu lực, số lượng khách vơi hẳn. Sau Tết, nhà hàng đóng cửa im ỉm đến nay. Hiện bên ngoài chi chít số điện thoại liên hệ cho thuê lại mặt bằng, tuy nhiên vẫn chưa tìm được chủ nhân.
Việc hàng loạt mặt bằng tại trung tâm quận 1 đang trống được xem là một điều rất lạ bởi tỉ lệ lấp đầy tại khu vực này rất cao. Anh Chung - chủ một cửa hàng trên đường Lý Tự Trọng cho biết, chưa bao giờ thấy con đường này lại treo biển cho thuê nhiều như vậy. Anh nói một nguyên nhân quan trọng khiến chủ cửa hàng không chịu nổi là tình hình kinh doanh ảm đạm hiện nay giữa dịch Covid-19.
"Thực tế, thông lệ qua Tết, khách hàng có phần giảm đi nhưng chưa năm nào lại tụt dốc không phanh như hiện nay. Các cửa hàng thời trang bị ảnh hưởng không đáng kể, nhà hàng thì như rơi tự do, không có doanh thu thì không thể nào chịu nổi giá mặt bằng ở đây", anh Chung nói.
Những mặt bằng san sát nhau này nằm trên đường Lê Thánh Tôn trước đây do một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ có liên quan thuê, nhưng hiện trước tình hình ảm đạm chung của ngành, số lượng khách du lịch đến TP HCM sụt giảm nghiêm trọng nên đều đã đóng cửa.
Tương tự, đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) vốn được mệnh danh là "thiên đường ẩm thực", không thiếu bất kì một thương hiệu nhà hàng, quán cà phê nào, nhưng đến nay, một loạt thương hiệu đã đóng cửa. Đáng chú ý, không ít nhà hàng nằm trên tuyến đường này kinh doanh khá tốt nhưng cũng phải dừng cuộc chơi.
Cửa hàng cà phê hoành tráng nằm tại góc đường này đã đóng cửa. Đáng chú ý, tính đến nay, cửa hàng này mới hoạt động khoảng được hơn nửa năm.
Trên đường Phan Xích Long, rất nhiều quán cà phê mới ra mắt chỉ được vài tháng với cách thiết kế hoành tráng, hiện đại, đẹp mắt nhưng vẫn phải chấp nhận đóng cửa từ sau Tết.
Nằm trên đường Hoa Sứ trong khu vực Phan Xích Long, quán cà phê tên tuổi một thời này cũng đã đóng cửa từ sau Tết.
Hàng loạt nhà hàng nướng theo kiểu Á-Âu trên đường này cũng đã trả mặt bằng.
Có nhà hàng vừa bán xong dịp Tết là đóng cửa. Trên đường này, nhà hàng Food House kinh doanh theo mô hình chuỗi cũng đã đóng cửa. Tương tự, Food House nằm tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu (quận 3) cũng đã ngưng hoạt động sau Tết. Chuỗi nhà hàng này cũng rất nổi tiếng với giới trẻ.
Việc dừng kinh doanh, trả mặt bằng không chỉ tập trung ở những khu vực "đất vàng" của giới kinh doanh, mà nhiều khu vực khác ở TP HCM cũng đều chung cảnh ngộ. Cửa hàng trà sữa Too Cha nằm tại chân Cầu Bông (quận Bình Thạnh), sau một thời gian thay chân Ten Ren cũng đã đóng cửa khoảng 1-2 tuần sau Tết.