Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) nhận định: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao".
Bộ KH&ĐT xác định rằng: "Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19". Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 14.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%. Đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26%.
Riêng trong tháng 3/2020, cả nước có 12.272 doanh nghiệp thành lập mới. So với cùng kì năm trước, số doanh nghiệp giảm 1,6% và số lao động đăng kí giảm 43,9%. Ngoài ra, cả nước còn có 3.423 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,7% so với tháng trước và giảm 29,8% so với cùng kì năm trước.
Đáng nói, có đến 1.316 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11% và tăng 37,1%.
Trong quý I/2020, không nằm ngoài dự đoán, chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí với 220 doanh nghiệp, giảm 22,5%. Thế nhưng, số doanh nghiệp mới đăng kí trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác lại chỉ giảm 0,4%; nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chỉ giảm 1%,…
Cũng trong quý I/2020, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với con số lên đến 1.500 doanh nghiệp. Xếp sau là công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.
Các nhóm ngành tưởng chừng có tỉ lệ giải thể cao lại có con số khá khiêm tốn. Nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống có 244 doanh nghiệp giải thể. Nhóm dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 241 doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp trong ngành giáo dục và đào tạo cũng có 164 doanh nghiệp chọn con đường giải thể.
Dịch Covid-19 đã gậm nhấm hàng loạt ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lí người tiêu dùng. Việc hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình vì lo ngại dịch lây lan, nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8% so với cùng kì năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp so với cùng kì năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.
"Đứng mũi chịu sào" là dịch vụ lưu trú, ăn uống khi doanh thu quý I/2020, chỉ đạt 126,2 nghìn tỉ đồng, giảm 9,6% so với cùng kì năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động, cùng với lượng khách du lịch giảm.
Thê thảm hơn, doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước tính đạt 7.800 tỉ đồng, giảm đến 27,8% so với cùng kì năm trước. Bởi nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch, do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn, khi lượng khách vận chuyển giảm 6,1%.
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19. Các hãng tạm dừng khai thác đường bay quốc tế và hạn chế bay nội địa. Vận tải hàng không quý I/2020 đạt 11,9 triệu lượt khách, giảm 8%. Riêng tháng 3, vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%.
Điều này dễ hiểu, bởi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay chỉ có gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kì năm trước.
Mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...
Điểm sáng tăng trưởng xuất hiện ở lĩnh vực bán lẻ, viễn thông. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa tính chung quý I/2020 tăng, do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá ở bất cứ nơi nào.
Ngoại trừ mức giảm 9% trong ngành sản xuất đồ uống do tác động của Nghị định 100, nhìn chung doanh thu của ngành sản xuất lương thực, thực phẩm tăng đến 9,3%.
Miễn dịch với Covid-19, một số ngành công nghiệp chế tạo vẫn giữ phong độ khá tốt. Nhóm linh kiện điện thoại tăng đến 34,7%. Dư âm từ nhu cầu đi lại dịp Tết, nhóm xăng, dầu các loại tăng 17,4%. Điện thoại di động tăng 11,1% nhưng điện thoại thông minh lại giảm 2,7%.
Điện sản xuất có sản lượng tăng 7,2% trong những ngày người dân hạn chế ra đường.
Hàng triệu người dân cùng ở nhà đang là điều kiện tốt để ngành viễn thông hưởng lợi. Hoạt động viễn thông quý I/2020 được đánh giá ổn định, với doanh thu ước tính đạt 98,1 nghìn tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kì năm trước.
Đáng chú ý, số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng 3/2020 ước đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, thuê bao truy nhập qua hệ thống cáp quang (FTTH) và qua hệ thống cáp truyền hình (CATV) tiếp tục tăng nhanh.
Nhưng theo số liệu của Bộ KH&ĐT, nền kinh tế vẫn có tín hiệu lạc quan, khi cả nước có đến 29.700 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới trong quý I/2020, tăng 4,4% so với cùng kì năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Riêng tháng 3/2020, chỉ có 2.452 doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 46,3% và tăng 78,6% so với tháng trước. Về số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể có 2.785 doanh nghiệp, giảm 27,5% và tăng 48%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp kì vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.
Bộ KH&ĐT cho biết, có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019. Có 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Số doanh nghiệp trong nước đánh giá gặp khó khăn chiếm 42%.
Còn so giữa quý II/2020 và quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Chỉ có 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình dịch bệnh, 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu.
Ngoài ra, lãi suất vay vốn cao, nhu cầu thị trường quốc tế thấp, tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao và thiết bị công nghệ lạc hậu… cũng là các vấn đề mà đa phần doanh nghiệp Việt Nam đang đương đầu.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020