Năm 2020, cổ phiếu Tesla ghi nhận mức tăng đáng mơ ước 700%. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Tesla đã mất 15% thị giá.
Riêng thứ Sáu tuần trước (5/3), cổ phiếu đại gia xe điện này có lúc lao dốc gần 13%, rồi hồi phục một phần và kết phiên giảm 3,8%, đóng cửa dưới 600 USD/cp lần đầu tiên kể từ ngày 4/12/2020.
Tuần vừa qua, Tesla đã sụt 11%, đánh dấu tuần đi xuống thứ 4 liên tiếp. Theo Bloomberg, khoảng 234 tỷ USD vốn hóa của Tesla đã bị thổi bay trong một tháng. CEO Elon Musk - người sở hữu khoảng 22% vốn của Tesla cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Theo CNBC, dưới đây nhân tố chính tác động tiêu cực tới Tesla.
Hôm 4/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powerll cho biết "áp lực tăng giá" và "sự đi lên tạm thời của lạm phát" có thể đang diễn ra trong quá trình nền kinh tế Mỹ tái mở cửa sau một năm phong tỏa vì đại dịch.
Các nhà đầu tư đang lo ngại lãi suất sẽ tăng và Fed sẽ không muốn hoặc thậm chí là không thể kiểm soát được. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã đi lên nhanh chóng trong khoảng hai tuần qua.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu thiệt hại nặng nhất khi lạm phát và lãi suất đi lên. Nhóm doanh nghiệp công nghệ vay nhiều để tài trợ tăng trưởng và lãi suất cao khiến chi phí tài chính cũng lên theo.
Bên cạnh đó, định giá của cổ phiếu công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào giả định dòng tiền tăng trưởng phi mã trong tương lai. Lãi suất tăng khiến dòng tiền bị chiết khấu mạnh hơn và do vậy định giá giảm đi.
Theo CNBC, chỉ số Nasdaq 100 (gồm 100 cổ phiếu phi tài chính lớn nhất trên sàn Nasdaq) đã giảm 8% so với đỉnh đạt được ba tuần về trước.
Không riêng gì Tesla, nhiều cổ phiếu Big Tech cũng diễn biến tiêu cực trong những tháng qua. Apple giảm từ khoảng 129 USD/cp xuống còn 121 USD, Netflix từ 523 USD còn 516 USD. Dù vậy, Tesla vẫn là cái tên đi xuống nhanh nhất.
Một vài cổ đông lớn và từng ủng hộ Tesla nhiệt thành nhất đã bán bớt cổ phiếu xe điện này, đồng thời công nhận rằng tình hình cạnh tranh trong ngành đang ngày cảng trở nên gay gắt.
Chẳng hạn, tỷ phú Ron Baron đã bán 1,7 triệu cổ phiếu Tesla và đầu tư vào hai doanh nghiệp đối thủ là Cruise (do General Motors sở hữu) và Rivian (do Amazon góp vốn). Điều khó hiểu là ông Baron lại dự báo giá cổ phiếu Tesla có thể sẽ lên đến 2.000 USD.
Ông Steve Westly - cựu Thành viên HĐQT Tesla tuần trước cho biết ông vẫn lạc quan về công ty nhưng nhận định: "Tesla sẽ không thể mãi mãi là ông vua của ngành xe điện". Ông nói thêm: "Tesla sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh từ mọi phía và sẽ phải nỗ lực gấp bội để vươn lên".
Quả thực, các đại gia xe hơi bao gồm Ford và Volkswagen đã gặt hái được những thành công ban đầu trong doanh số tiêu thụ xe điện, bao gồm dòng Mach E và ID.3 ở Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sắp ra mắt như phiên bản chạy điện hoàn toàn của chiếc Ford F-150, dòng Lucid Air, các dòng SUV và xe tải của Rivian, ... cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý.
Thương hiệu xa xỉ Porsche tuần trước cũng khoe về mẫu xe điện Taycan Cross Turismo và tuyên bố sẽ bắt đầu bán ra tại Mỹ vào mùa hè năm nay, giá khoảng 90.000 USD.
Tình trạng thiếu hụt chip đã khiến cho hầu hết các nhà sản xuất xe hơi phải tạm đóng cửa một số dây chuyền sản xuất, Tesla cũng không phải ngoại lệ. Trong tweet đăng ngày 25/2/2021, CEO Elon Musk thừa nhận nhà máy của Tesla ở Fremont, California đã phải đóng cửa tạm thời hai ngày vì "thiếu phụ tùng".
Trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020, Tesla đã cảnh báo việc thiếu sản phẩm bán dẫn sẽ khiến công ty này khó hoàn thành mục tiêu sản xuất trong nửa đầu năm 2021.
Nếu Tesla không thể xuất xưởng lượng ô tô lớn từ các nhà máy ở Mỹ, công ty này sẽ không có nhiều tín chỉ carbon (carbon credit). Thông thường, Tesla bán các tín chỉ này cho các nhà sản xuất xe hơi chạy xăng/dầu để tăng doanh thu và đạt được lợi nhuận.
Từ nhiều năm qua, CEO Elon Musk đã lo nghĩ về chi phí. Tháng 12/2020, ông viết trong email gửi tới toàn thể nhân viên Tesla: "Các nhà đầu tư rất tin tưởng vào khả năng tạo lợi nhuận tương lai của chúng ta, nhưng nếu một lúc nào đó, nhà đầu tư không còn tin như vậy nữa, giá cổ phiếu Tesla sẽ lập tức bị đè bẹp".
Cùng lúc đó, Tesla đang trong một quá trình mở rộng vô cùng tốn kém. Đại gia xe điện này đang xây dựng các nhà máy ở Austin (Texas) và ở Brandenburg (Đức), cũng như gia tăng hiện diện tại Trung Quốc. Nhà máy ở Fremont (California) cũng đang được sửa sang lại.
Tỷ phú Elon Musk còn có tham vọng tự khai thác lithium để sản xuất pin xe điện. Ngoài ra, Tesla còn đang phải xử lý những đợt triệu hồi sản phẩm lỗi tốn kém và có thể còn lặp lại trong tương lai.