Khi Elon Musk - CEO tập đoàn xe điện Tesla - dẫn chương trình giải trí tối thứ Bảy (theo giờ Mỹ) mang tên Saturday Night Live, giá đồng tiền mã hóa Dogecoin có lúc sụt tới 29,5% xuống còn 0,49 USD.
Trong chương trình, Elon Musk tự gọi mình là "Dogefather" (tạm dịch: Bố giá Dogecoin), gọi Dogecoin là "trò lừa gạt" và hét to "Lên mặt trăng" (To the moon). Theo CNBC, đây là câu khẩu hiệu mà những người ủng hộ Dogecoin thường sử dụng để nói về triển vọng đẩy giá đồng tiền này lên 1 USD.
Vào thời điểm này, giá Dogecoin đang giảm hơn 31% so với 24h trước, tương đương khoảng 23 tỷ USD vốn hóa đã bị thổi bay. Thị trường tiền mã hóa nói chung giao dịch suốt ngày đêm 24/7 không ngừng nghỉ nên không có giá mở cửa, đóng cửa, tham chiếu mà thường chỉ có thể so sánh với 24h trước đó.
Khi so với một tháng trước, giá đồng tiền này vẫn đang cao hơn 700%. Nếu so với hồi đầu năm, giá thậm chí vẫn tăng khoảng 9.600%.
Ở đỉnh mọi thời đại thiết lập hôm 8/5, giá Dogecoin đạt 0,74 USD, tăng hơn 30.000% so với đầu năm.
Các đồng tiền mã hóa như Dogecoin hay Bitcoin khác với cổ phiếu ở chỗ không có doanh nghiệp với hoạt động sản xuất kinh doanh đứng sau, vì vậy cũng không có báo cáo tài chính, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, đòn bẩy, định hướng phát triển, tầm nhìn ban lãnh đạo, ... để phân tích và đánh giá.
Những lời ủng hộ hay chỉ trích, quyết định mua vào hay bán ra của những nhân vật nổi tiếng như Elon Musk luôn có tác động rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư tiền mã hóa.
Trong đợt bán tháo Dogecoin ngày 8/5, một số người dùng Robinhood phản ánh tình trạng hệ thống mua bán tiền mã hóa của ứng dụng giao dịch miễn phí này không hoạt động. Robinhood xác nhận qua Twitter rằng đúng là có tình trạng đơ lag, quá tải hệ thống. Dịch vụ sau đó đã được nối lại trong chưa đầy một giờ.
Tháng trước khi giá Dogecoin tăng sốc hàng nghìn phần trăm, hệ thống của Robinhood cũng gặp tình trạng "lỗi lệnh rải rác trên thị trường tiền mã hóa".