Vì sao 3 dự án đất ở Hà Nội bị đề nghị điều tra?

Công ty Đầu tư Phương Đông bán 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn ở đường Pháp Vân theo hình thức sở hữu lâu dài, giá chênh lệch so với được phê duyệt gần 56 triệu đồng/m2.

Sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu trong thông báo về kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Các vi phạm này xảy ra ở khu đất hơn 14.300 m2 tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là một trong 4 dự án "đất vàng" ở Hà Nội bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm.

Theo kết luận thanh tra, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam góp 100% vốn thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông để thực hiện dự án trên khu đất 14.300 m2 từ năm 2017. Vốn góp chủ yếu là giá trị sử dụng và thương mại của quyền sử dụng khu đất thuê trả tiền hàng năm - không đúng quy định của Luật Đất đai 2013.

Từ hành vi này dẫn đến việc UBND Hà Nội quyết định thu hồi đất của Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, giao Công ty Đầu tư Phương Đông thuê để làm trụ sở văn phòng làm việc. Phương Đông sau đó chuyển mục đích sử dụng không đúng với hơn 14.300m2 đất để thực hiện dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng, thương mại và dịch vụ.

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra. (Ảnh: TTCP).

Trên lô đất này, 2.503 m2 không phải là đất ở nhưng UBND Hà Nội vẫn quyết định giao cho Công ty Đầu tư Phương Đông theo hình thức "giao đất có thu tiền sử dụng đất". Điều này là không đúng các trường hợp được giao đất theo Luật Đất đai 2013, theo Thanh tra Chính phủ.

Việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng cũng bị thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, diện tích sử dụng thực tế của loại căn hộ để bán tăng 396 m2. Loại căn hộ cho thuê tăng 131 m2 so với diện tích trong phương án tính tiền sử dụng đất. Diện tích thực tế sàn xây dựng tầng hầm B1 tăng 595 m2 so với diện tích được giao đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Với các sai phạm trên, UBND Hà Nội cùng các sở, ngành chức năng có liên quan chưa xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thu ngân sách theo quy định.

UBND Hà Nội còn phê duyệt đơn giá của toàn bộ diện tích 1.142 m2 đất xây dựng đơn nguyên B2 theo giá đất thương mại, dịch vụ không bao gồm chức năng căn hộ cho thuê ngắn hạn. Điều này là không đúng với mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013.

Cuối cùng, UBND Hà Nội ban hành 3 quyết định khác nhau vào các năm 2018, 2019, 2020, không thống nhất về hình thức giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, thuê đất với diện tích 2.503 m2. Từ đó dẫn đến 2.503 m2 xác định là "thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê".

Trên thực tế, Công ty Đầu tư Phương Đông đã bán 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn theo hình thức sở hữu lâu dài. Giá bán các căn hộ tương đương với giá bán của tòa nhà khác trong cùng dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất. Việc này sẽ có lợi cho đơn vị bán nhà và gây thiệt cho người mua.

Đơn giá trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 12,03 triệu đồng/m2, trong khi đơn giá đất xây dựng căn hộ có thu tiền sử dụng đất là 67,68 triệu đồng/m2 (chênh lệch 55,65 triệu đồng/m2).

Kết luận thanh tra cho rằng doanh nghiệp này còn có vi phạm về việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư. Cụ thể, Công ty Đầu tư Phương Đông triển khai thi công dự án khi chưa được UBND Hà Nội giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, Công ty Đầu tư Phương Đông bán 11 căn nhà liền kề, 110 căn hộ chung cư trước khi được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng và thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Việc này là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về UBND Hà Nội, các sở ngành có liên quan như Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và PTNT, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu về dự án này để xem xét, điều tra theo quy định về những hành vi trái pháp luật.

Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra sai phạm ở 3 khu "đất vàng" khác là khu đất 2.291 m2 tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; khu đất 6.300 m2 tại ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; khu đất 23.380 m2 tại số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.

Với khu đất ở số 120 Hoàng Quốc Việt, UBND Hà Nội phê duyệt tiền chuyển mục đích sử dụng đất của dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ không đúng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ đó dẫn đến tổng số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách của khu A (932 m2) thấp hơn 57,5 tỷ đồng.

Từ 2012 đến nay, dự án trên khu đất này vẫn không thực hiện được. Một số người dân lấn chiếm khu đất, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nhưng chưa được Tổng công ty Thép Việt Nam, UBND Hà Nội xử lý dứt điểm, gây nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất.

Với khu đất hơn 6.300m2 tại 622 Minh Khai, UBND cho phép Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - Thực phẩm Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng. Thế nhưng năm 2018, UBND Hà Nội phê duyệt giá đất trái quy định dẫn đến việc xác định tiền thuê đất hàng năm không chính xác.

Khu đất 23.380 m2 tại 275 Nguyễn Trãi được UBND Hà Nội thu hồi từ đất cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1. Hà Nội sau đó giao cho Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở. Việc giao đất không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất.

Mặt khác, UBND Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt 3.557 m2 đất thuộc quỹ đất 20% của thành phố theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở bán cho cán bộ, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Điều này là vi phạm quy định của Luật Đất đai 2003.

Dự án này còn được chấp thuận bổ sung một số hạng mục, song chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Sau khi chỉ ra các vi phạm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu về dự án 120 Hoàng Quốc Việt và 275 Nguyễn Trãi để xem xét, điều tra theo quy định.

Ngoài 3 dự án ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển tài liệu 2 dự án ở TP HCM va 3 dự án ở Bình Dương có dấu hiệu sai phạm cho cơ quan điều tra.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.