Bác sĩ bị bố bệnh nhi đánh chấn thương sọ não: Thứ trưởng Bộ Y tế lên tiếng | |
Bộ Y tế vào cuộc vụ bác sĩ bị hành hung chấn thương sọ não |
Sau tai nạn giao thông bệnh nhân T. giữ được mạng sống nhưng bị ù tai. Ảnh Mai Phương |
Thông tin từ Bệnh viện Trưng Vương cho hay, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân bị di chứng sau điều trị tai nạn giao thông.
Cụ thể, trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân nam tên T.H.T (47 tuổi, ngụ tại TP HCM) đến khám trong tình trạng tai nghe kém. Qua tìm hiểu các bác sĩ được biết, cách đây 7 - 8 tháng bệnh nhân bị tai nạn giao thông đập đầu xuống đất, gãy xương. Khi vào viện người bệnh được tập trung điều trị chấn thương sọ não và khắc phục tình trạng gãy xương.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện về nhà người bệnh bắt đầu có biểu hiện nghe kém, tai nặng nề nên đã đi khám tại một số bệnh viện nhưng không phát hiện được nguyên nhân. Khi đến bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng đã phát hiện ra chấn thương ở xương đỉnh làm vỡ sàn sọ, chảy dịch màng tủy từ não xuống tai, gây ứ dịch khiến chức năng nghe suy giảm.
“Chúng tôi buộc phải mổ để bít lỗ dịch màng tủy lại, nếu không sẽ dẫn đến nhiễm trùng ở tai, sau đó lan lên não, gây viêm màng não. Lúc này việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn, nguy cơ tử vong đối với người bệnh vì thế cũng cao hơn. Hiện tại người bệnh nghe khá hơn, không còn cảm giác nặng đầy lỗ tai”, bác sĩ Phạm Ngọc Chất, Phó Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng (Bệnh viện Trưng Vương) chia sẻ.
Một trường hợp khác, bệnh nhân T.V.V (50 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) bị méo mặt sang một bên sau thời gian điều trị chấn thương gãy xương đòn, gãy chân và chấn thương sọ não. Nguyên nhân xuất hiện di chứng trên là do cuộc va chạm giao thông làm vỡ ống dây thần kinh số 7 ở vị trí cực kỳ khó mổ.
“Xác định đúng vị trí xương gãy đâm vào dây thần kinh, ê kíp phẫu thuật đã gắp được mảnh xương ra. Kết quả 24 giờ sau dây thần kinh bắt đầu cải thiện, người bệnh có nước mắt, mắt nhắm bình thường, mặt bớt méo hơn”, bác sĩ Chất vui mừng nói.
Nhiều người cho rằng di chứng sau điều trị chấn thương như mắt không khép, méo miệng sẽ phải chịu suốt đời là sai lầm. |
Theo bác sĩ Chất có nhiều dạng di chứng tổn thương khác nhau nên mức độ can thiệp cũng khác nhau gồm điều trị bằng thuốc, buộc phải phẫu thuật, dùng thủ thuật hoặc tập vật lý trị liệu. Ngoài hai trường hợp điển hình trên còn có những chấn thương như vỡ hệ thống tiền đình, vỡ hệ thống bán khuyên gây ra tình trạng chóng mặt, không đi được, ảnh hưởng tới các cấu trúc sâu bên trong… nhưng người bệnh không biết.
Do đó, khi bị tai nạn giao thông, ngoài việc tập trung vào điều trị các vấn đề lớn như não, lồng ngực, xương khớp... để bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân, nếu nghi ngờ có các vấn đề về tai - mũi - họng, cán bộ y tế cần hướng dẫn người bệnh đến các chuyên khoa để kiểm tra.
“Bệnh lý được can thiệp càng thì sớm càng tốt, với bệnh nhân bị liệt mặt thì thời gian vàng để xử trí là hai đến ba tuần sau khi bị chấn thương. Nếu được can thiệp sớm chỉ vài tháng sau người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, chậm trễ thì mức độ hồi phục ít hơn. Cụ thể, bệnh nhân được mổ ở tuần thứ 4-5 sẽ phải mất một năm sau mới có thể hồi phục nhưng chỉ được 70-80%”, bác sĩ Chất nhấn mạnh.
Một thực tế đang tồn tại, nhiều người nghĩ sau chấn thương giữ được tính mạng đã là đáng quý, những di chứng đi kèm kể trên thì người bệnh phải cam chịu suốt đời nhưng thực tế vẫn có thể khắc phục được.
Bác sĩ Phạm Ngọc Chất đưa ra khuyến cáo, quan trọng nhất là người bệnh phải thấy được sự thay đổi của các cơ quan chức năng trước và sau tai nạn. Đối với tai sẽ có nhiều biểu hiện khó chịu như nghe kém, ù tai, chóng mặt, liệt mặt và đi đứng khó khăn, chảy dịch trong tai liên tục không cầm được. Dấu hiệu về xoang là chảy máu mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nhức vùng mặt, có biến dạng vùng mặt…