Vì sao thương hiệu thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam?

Riêng doanh thu phân khúc quần áo của thị trường thời trang Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 245 triệu USD trong năm nay.  
vi sao thuong hieu thoi trang ngoai do bo vao viet nam Công ty Nhật muốn mua thời trang NEM của Việt Nam

Cảnh người mua xếp hàng từ tờ mờ sáng để khai trương một số cửa hàng thời trang nhanh của một thương hiệu nước ngoài diễn ra gần đây tại Hà Nội, cũng giống như trước đó ở TP HCM một lần nữa cho thấy hiệu ứng hút khách của các hãng thời trang ngoại. Đại diện Hennes&Mauritz (H&M) – thương hiệu thời trang bình dân của Thụy Điển cho biết, tuy không đông khách như tại cửa hàng đầu tiên ở phía Nam, song ngay trong buổi khai trương tại Hà Nội cách đây vài ngày, số người xếp hàng chờ đợi cũng lên tới 2.000.

Trong khi đó, chỉ sau một năm khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM, doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng và đây cũng là lúc thương hiệu triển khai chiến lược “Bắc tiến”.

Chỉ trong chưa đầy 3 tháng đã có nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài khai trương tại Việt Nam gồm: Stradivarius, Massimo Dutti, Pull&Bear của Tây Ban Nha, H&M của Thụy Điển… Thương hiệu thời trang của Mỹ là Old Navy khai trương cửa hàng đầu tiên hồi giữa năm, cùng lúc đó Forever21 cũng lên kế hoạch góp mặt. Các hãng thời trang nước ngoài thuộc phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango… cũng liên tục mở rộng hệ thống.

vi sao thuong hieu thoi trang ngoai do bo vao viet nam
Cảnh xếp hàng ngày khai trương tại một cửa hàng thời trang mang thương hiệu ngoại ở Hà Nội cách đây ít ngày.

Không chỉ những thương hiệu châu Âu, châu Mỹ, một số đại gia châu Á cũng rục rịch lên kế hoạch thâm nhập thị trường Việt trong tương lai gần. Nếu như Uniqlo dự định sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong thời gian tới thì một doanh nghiệp thời trang khác của Nhật là Stripe International cũng chuẩn bị hoàn tất thương vụ mua lại Công ty cổ phần Thời trang NEM – một thương hiệu thời trang hướng đến đối tượng khách hàng nữ công sở. Tuy giá trị không được tiết lộ, song Stripe Intetnational cho biết, thương vụ này nằm trong chiến lược mở rộng kinh doanh sang các thị trường ASEAN và Việt Nam - khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số cao và kinh tế phát triển nhanh.

Cuối năm ngoái, trong một hoạt động xúc tiến thương mại, 9 doanh nghiệp của Nhật Bản với 14 thương hiệu thời trang đã đến Việt Nam tìm đối tác nhận nhượng quyền mở cửa hàng hoặc phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước. Tại đó, lãnh đạo một thương hiệu nhận định, dân số trẻ, kinh tế đang phát triển tốt, thu nhập của người dân đang tăng… là những nhân tố thu hút nhất của thị trường Việt Nam.

Nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo doanh thu thời trang của Việt Nam năm 2017 có thể đạt 358 triệu USD vào năm 2017. Doanh thu dự kiến cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2017-2022 là 22,5%. Mức tăng trưởng này dẫn đến thị trường có thể đạt mốc 988 triệu USD doanh thu vào 2022.

Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra, phân khúc lớn nhất của thị trường thời trang là quần áo, trong đó dự báo năm 2017 sẽ đạt giá trị khoảng 245 triệu USD.

Theo kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel, mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt hiện đứng thứ ba, chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm và tiền tiết kiệm. Và trong một nghiên cứu khác cũng của đơn vị này cho thấy, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).

Q&Me - đơn vị cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam tiến hành hồi đầu năm 2017 với nhóm khách hàng ở độ tuổi 18-39 cũng chỉ ra, 52% số người được khảo sát mua đồ thời trang (gồm quần áo, giày dép) nhiều hơn một lần mỗi tháng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, một thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng trung bình đến cao cấp. Với sự xuất hiện của một loạt các thương hiệu ngoại, bà nhận định các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam bởi có mức tăng trưởng bình quân thị trường tốt, dao động 15-20%.

Trao đổi với VnExpress, đại diện H&M cho biết, đã dành hơn 2 năm để nghiên cứu về thị trường Việt Nam một cách kỹ lưỡng trước khi chính thức đặt chân tới TP HCM, sau đó là Hà Nội.

Vị này cũng nhận định, Việt Nam là một thị trường đang trên đà phát triển và có tiềm năng cao trong ngành thời trang. “Các bạn trẻ Việt Nam ngày càng chứng tỏ được gu ăn mặc, luôn bắt kịp với các xu hướng mới nhất trên thế giới và có cách biến tấu riêng để thể hiện dấu ấn cá nhân”, đại diện H&M nói, đồng thời cho biết tham vọng trở thành thương hiệu thời trang bình dân được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.