Trước đó, vụ án này đã được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với 92 bị cáo trong vụ án. Trong lần xét xử phúc thẩm này, có 83 bị cáo phải ra tòa.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao phiên tòa phúc thẩm không được xét xử tại trụ sở của TAND Cấp cao tại Hà Nội mà phải xét xử tại trụ sở của TAND tỉnh Phú Thọ.
Không hẳn là do số lượng bị cáo quá đông (83 bị cáo trong phiên phúc thẩm), bởi phòng xử án số 1 tại TAND cấp cao Tại Hà Nội là một căn phòng khá rộng, thậm chí là rộng nhất trong hệ thống các Tòa án trên cả nước. Căn phòng này từng là nơi diễn ra các phiên phúc thẩm những vụ đại án liên quan đến những nhân vật như Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm,…
Các bị cáo trong vụ án tại phiên sơ thẩm. Do số lượng bị cáo lên đến 92 người, TAND tỉnh Phú Thọ đã phải lợp mái che và lập phòng xét xử bên ngoài sân tòa.
TAND Cấp cao tại Hà Nội là một trong 3 TAND Cấp cao trên cả nước, bao gồm: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.Thực tế, đã có không ít những phiên tòa phúc thẩm được TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử lưu động tại các tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Do đó, việc xét xử tại Hà Nội hay tại các tỉnh, thành trong phạm vi thuộc thẩm quyền đối với TAND Cấp cao tại Hà Nội là điều bình thường.
3 Tòa Cấp cao nói trên được thành lập theo Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao là phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng;
Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Tòa án cấp cao tại Hà Nội có trụ sở đặt tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Hà Tĩnh trở ra, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
TAND tỉnh Phú Thọ, nơi diễn ra phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án. |
Trở lại với phiên tòa hôm nay, ngoài kháng cáo của 36 bị cáo với nội dung chủ yếu là xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo hoặc xin phạt tiền, 47 bị cáo còn lại, trong đó có Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, cũng sẽ ra tòa lần này vì lý do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST do TAND tỉnh Phú Thọ tuyên ngày 30/11/2018. |
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho rằng: Tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS sửa đổi năm 2009 “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện tử đại lý cấp 1 trở lên; Phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS sửa đổi năm 2009; Phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
Do vậy, có 3 vấn đề VKSND kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sau:
Thứ nhất, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên.
Thứ hai, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ 50% số tiền thu lời bất chính trở lên.
Thứ ba, không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
Theo Bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST do TAND tỉnh Phú Thọ tuyên ngày 30/11/2018, bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa lần lượt lĩnh mức án 9 năm tù và 10 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Văn Dương lĩnh án 5 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc" và 5 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hình phạt chung cho cả hai tội danh là 10 năm tù.
Bị cáo Phan Sào Nam lĩnh án 2 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc" và 3 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hình phạt chung cho hai tội danh là 5 năm tù.