Hôm 21/2, ngân hàng BIDV thông báo đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỉ của Vinaxuki (Công ty ôtô Xuân Kiên). Sau nhiều nỗ lực của ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch HĐQT công ty, đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ôtô Việt, từng mang tới nhiều hi vọng và cả thất vọng cho giới chuyên môn và cả người tiêu dùng Việt.
Khi mới ra đời, quãng 2004-2009, Vinaxuki của ông Huyên sống rất tốt vì chỉ tập trung xe tải. Nhưng khủng hoảng kinh tế 2008 khiến những năm sau đó ôtô tải khó bán. Xe ế ẩm, lợi nhuận vơi. Đúng lúc này, ông Huyên tuyên bố muốn làm ôtô con, với chiếc concept VG.
Nhưng, Vinaxuki không có tiền. Vị doanh nhân, kĩ sư già nhiều lần viết thư cầu cứu Chính phủ giúp đỡ, để có tiền phát triển xe con. Nhưng thực tế, việc kinh doanh không đơn thuần như những gì vị kĩ sư già hô hào trên truyền thông. Ông Huyên đói vốn, xe mãi chỉ là chiếc vỏ xuất hiện ở triển lãm ôtô, không hơn. Giấc mơ ôtô Made in Vietnam, từ đó đứt gánh giữa đường.
Trong ngành ôtô, cần thấy sự khác biệt giữa xe thương mại (commercial car) và xe con (xe du lịch - passenger car). Xe con có yêu cầu cao, phức tạp, và đương nhiên doanh thu và lợi nhuận sẽ tốt nếu công ty có một chiến lược kinh doanh, và cách điều hành kinh doanh tốt.
Đối với xe thương mại, khách hàng là những công ty, những nhà chuyên nghiệp trong kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc hành khách. Khi khách hàng ra quyết định mua một chiếc xe, thì đó là một quyết định đầu tư vảo sản xuất kinh doanh, không phải là cho tiêu dùng như xe con. Họ cân nhắc yêu cầu của hoạt động kinh doanh đang có, phân tích tài chính về khoản đầu tư, chi phí vận hành, doanh thu dự kiến, điểm hòa vốn...
Các xe thương mại thường có kích thước lớn, động cơ lớn, tần suất sử dụng cao nên yếu tố môi trường trong quá trình sử dụng cũng rất quan trọng. Các tiêu chuẩn về khí thải tại thị trường của các nước phát triển rất cao, và khó đạt. Vì vậy, bản đồ sản xuất xe thương mại trên thế giới rất rõ ràng, các hãng sản xuất xe thương mại phân nhóm cho khu vực thị trường cao cấp và thị trường thấp cấp.
Vinaxuki tự hào là thương hiệu Việt sản xuất ôtô, nhưng đã thất bại. Theo một cựu quản lí cấp cao từng làm việc cho nhiều hãng xe sang tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất là:
Năng lực: công ty chỉ mới bắt đầu vào sản xuất ôtô tải, thuộc phân khúc xe thương mại, cho thị trường trong nước, với tiêu chuẩn chất lượng thấp. Vì thế năng lực trong lĩnh vực sản xuất ôtô là hạn chế. Công ty nên giới hạn trong phạm vi xe tải, nâng cao năng lực, để sản xuất những mẫu xe tải chất lượng cao hơn, có thể xuất khẩu để tăng doanh số.
Thiếu chuẩn bị khi thay đổi chiến lược kinh doanh: Công ty quá nôn nóng phát triển và sản xuất xe du lịch. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn khác và ít liên quan đến những thế mạnh, năng lực mà công ty đang có.
Không chỉ Vinaxuki, rất nhiều công ty trong nước sau một thời gian phát triển mạnh, bất ngờ tuột dốc và phá sản. Một vấn đề chung là năng lực yếu kém của bộ máy lãnh đạo, điều hành, quản lí của công ty. Sự thành công thường đến từ định hướng kinh doanh của người lãnh đạo đã phù hợp với điều kiện, xu thế của một giai đoạn nhất định.
Khi có sự thay đổi của môi trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh gia tăng, bộ máy quản lí của công ty không đủ năng lực để xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tổ chức vận hành hiệu quả. Từ đó, sự thất bại là tất yếu.