Cây ngải cứu trong dân gian còn được biết đến với cái tên gọi thân thương như cây giải cảm, cây thuốc cứu, cây thuốc cao hay ngải điệp…Cây có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa.
Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh.
(Ảnh: Xahoi) |
Theo Đông y, ngải cứu là loại cây thuốc chữa bệnh, có thể chế biến thành những món ăn ngon và bổ cho sức khỏe, giúp xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… và là một trong những vị thuốc bổ dành cho người bị động thai, sảy thai liên tiếp, nổi bật nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, lợi tiểu.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, ngải cứu thường được sử dụng để chữa trong các trường hợp phụ nữ có kinh nguyệt không đều, thổ huyết, chảy máu cam, đi tiểu ra máu, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai. Đặc biệt là vào tiết trời lạnh, rét đậm rét hại, ngải cứu hoàn toàn có thể chế biến thành những món ăn, bài thuốc chữa nhức đầu, đau họng, đau nhức xương khớp, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ...
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy lá ngải cứu chứa tinh dầu, các flavonoid, các acid amin, như adenin, cholin. Với những loại chất quý giá này, ngải cứu có tính năng chữa đau nhức đầu, đau nhức xương khớp cực hiệu quả vào mùa đông cũng như nhiều công dụng chữa bệnh khác.
Theo Live and Feel (một trang web về sức khỏe) ngải cứu có chứa glucose, tannis, chlorophyll, axit malic, vitamin B và vitamin C, chống nhiễm khuẩn, đặc tính chống tiêu chảy cũng như các lợi ích sức khỏe khác.
Đau đầu khi trời lạnh
Ngải cứu có chứa một chất gọi là absinthin. Absinthin được coi là một loại thuốc giảm đau có chất gây mê có ảnh hưởng đến não để thúc đẩy sự thư giãn và loại bỏ căng thẳng, lo lắng.
Đau nhức đầu khi trời lạnh, đau đầu do máu không lưu thông lên não: Ăn trứng gà rán với ngải cứu. Lấy một nắm lá ngải cứu đem thái nhỏ, sau đó trộn với trứng gà, nêm gia vị vừa miệng, đem vào chảo rán chín. Ăn với cơm khi còn nóng sẽ giúp giảm đau nhức đầu do trời lạnh rất tốt.
Trị chứng lạnh chân tay
Lấy lá của cây ngải cứu khô, sao qua (sao nhỏ lửa) cho khô giòn, cho vào cái rổ sạch, chà xát cho tơi xốp như bông, hoặc cho vào cối sành, giã nhẹ cho tơi xốp; nhặt bỏ các cuống lá, cuộn vào các mảnh giấy bản hay giấy báo thành các điếu ngải cứu. Mỗi điếu có kích thước dài khoảng 15cm, đường kính 1 – 1,5cm. Lượng bột ngải cứu cho mỗi điếu khoảng 5 – 7g, cần cuộn chặt để bột khỏi bị rơi ra. Hai đầu của mỗi điếu, cần gấp giấy lại cho kín.
(Ảnh: LezhaNews) |
Chữa viêm họng
Để chữa đau họng, viêm họng bạn hái 5-10 ngọn ngải cứu non, thêm chút muối, nhai và nuốt dần sẽ giúp chữa viêm họng cực tốt. Bạn cố gắng duy trì nhai 2-3 lần mỗi ngày, nhai trong 3-5 ngày sẽ đánh bay đau họng.
(Ảnh: Scientific American) |
Chữa đau bụng kinh nguyệt
Đau bụng do lạnh, phụ nữ có kinh nguyệt không đều, xuất hiện khí hư bất thường: Ăn canh ngải cứu nấu thịt nạc sẽ giúp chữa trị những chứng bệnh này. Bạn chỉ cần lấy thịt lợn nạc băm nhỏ, đem tẩm ướp gia vị tùy thích rồi xào qua, nêm nước, đun sôi, sau đó cho rau ngải cứu vào đun sôi. Tắt bếp, bạn nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng, ăn với cơm khi còn nóng.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Ngải cứu có đặc tính có lợi cho việc tăng cường hệ miễn dịch. Ăn ngải cứu giúp bạn loại bỏ các độc tố trong cơ thể, chống sốt và nhiễm trùng.
Ngoài ra, ngải cứu kết hợp với bạc hà có thể điều trị cúm, sốt và ngộ độc thực phẩm. Các đặc tính khử trùng của ngải cứu giúp tiêu diệt virus và vi khuẩn gây sốt.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Ngải cứu hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách tăng nồng độ axit dạ dày, giảm bớt đau bụng, đầy hơi và khí đốt, tăng cường sự thèm ăn. Ngoài ra, ngải cứu có chứa cả chamazulene - một chất chống viêm tự nhiên hoạt động như thuốc nhuận tràng và giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.
Chữa lành vết thương ngoài da
Những loại dầu chiết xuất từ ngải cứu được coi như một chất chống viêm, một loại dầu sử dụng khi cơ bắp đau, hỗ trợ trong việc chữa lành vết thương, vết bầm tím, vết cắt, bong gân, viêm loét và côn trùng cắn.
Dầu chiết xuất từ ngải cứu có thể gây mê toàn thân và sử dụng để làm thuốc giảm đau viêm khớp, đau lưng hay thấp khớp và dây thần kinh.
Để phát huy công dụng và tránh tác dụng phụ của ngải cứu, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu, như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.
Nếu sắc ngải cứu để uống thay nước chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi/lần) và sử dụng theo từng đợt. Khi khỏi bệnh thì nên nghỉ, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Những người không nên dùng ngải cứu
- Người bị viêm gan
Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.
- Không ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu không nên dùng ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.
- Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thể nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.
Giảm huyết áp, tiểu đường nhờ lá xoài | |
Ngăn ngừa đông máu và ung thư bằng lá hẹ | |
Cây nghệ và những lợi ích phòng tránh bệnh tuyệt vời |