(Ảnh: Hoa Đà Việt Nam) |
Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, số bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm ngày càng tăng, đặc biệt là với trẻ em. Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM cho thấy, tỷ lệ học sinh tại TPHCM mắc bệnh viêm mũi dị ứng là 41,5% và tại Hà Nội là 34,9%. Ước tính có khoảng 20% dân số trên cả nước mắc căn bệnh này.
Ths.Bs Hoàng Đình Ngọc, PGĐ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: “Viêm mũi dị ứng rất khó có thể xác định được nguyên nhân, yếu tố dị nguyên. Người ta có rất nhiều cách để làm để tìm dị nguyên nhưng không dễ dàng. Muốn tìm ra dị nguyên, đầu tiên, bản thân người bệnh phải biết được mình bị dị ứng ở đâu thời điểm nào. Trên cơ sở đó, bác sĩ mới có thể tìm được nguyên nhân gây ra bệnh. Đó chỉ là cảm nhận chủ quan về lâm sàng. Muốn đánh giá một cách chính xác về mặt khoa học thì phải tìm dị nguyên bằng cách tiêm những chất vào trong cơ thể để đánh giá dị nguyên và giải mẫn cảm dần dần. Môi trường có hàng vạn hàng triệu chất nhưng khoa học thì chỉ điều chế được một số thôi. Ví dụ, bệnh viện chúng tôi điều chế dị nguyên bụi nhà, lông vũ hoặc là một số dị nguyên để tiêm vào người bệnh tìm nguyên nhân nhưng đó chỉ là một vài yếu tố có đánh giá được nguyên nhân”.
Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể có vai trò chống lại các chất có hại và các tác nhân gây bệnh. Nhưng ở những người bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch này lại phản ứng quá mức đối với các tác nhân hầu như vô hại với người khác như phấn hoa, lông thú, nước hoa...Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở.
Người có cơ địa mẫn cảm thường dễ bị dị ứng gây ra các phản ứng viêm và kích ứng ở lớp niêm mạc mũi, các xoang, mắt. Nhiều trường hợp, bệnh nhân viêm mũi dị ứng có cơ địa dễ dị ứng với các loại thực phẩm như trứng, sữa, tôm, cua, sứa và các thực phẩm khác.
Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, mưa bão cũng là yếu tố gây viêm mũi dị ứng. (Ảnh: Vicare) |
Viêm mũi dị ứng diễn ra quanh năm nhưng cũng có thể diễn ra theo mùa. Một số người bị viêm mũi dị ứng khi ở nhà nhưng cũng có người lại bị ở nơi làm việc, nếu như ở đó có dị nguyên. Đó là yếu tố có tính chi phối về không gian và thời gian. Như vậy, căn bệnh này không có tính chu kỳ nhất định và tùy thuộc vào từng người bệnh.
Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.
Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn như vậy, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị.
Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài ba lần trong ngày, nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa hai cơn.
(Ảnh: Slice) |
Hắt hơi là triệu chứng tiêu biểu của viêm mũi dị ứng, những cơn hắt hơi thường xuất hiện một cách đột ngột trong một lần hoặc tái diễn nhiều lần trong một đợt dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh còn gây thêm những biến chứng quan trọng như: viêm xoang do tắc các lỗ thông xoang; viêm mũi xoang nhiễm trùng vì ứ đọng dịch tiết, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển; viêm họng - viêm thanh quản do phải thở bằng miệng; viêm tai giữa do tắc vòi nhĩ; viêm mũi quá phát, suyễn và Polyp mũi. Chính vì những biến chứng trên ảnh hưởng đến sức khỏe nên việc phát hiện và điều trị bệnh rất quan trọng.
(Ảnh: SumHevi) |
PGS.TS Dương Trọng Hiếu, Chuyên gia y học cổ truyền cho biết: “Theo Đông y, điều trị viêm mũi dị ứng phải chú ý đến hai phần, phần thứ nhất là nâng cao sức đề kháng của cơ thể hay còn gọi là chính khí, làm cho cơ thể khỏe lên để tự chống lại với bệnh tật. Thứ 2, dùng một số thuốc có tác động vào phong hàn hoặc phong nhiệt. Các vị thuốc người ta rất hay dùng, ví dụ là búp đa lông, quả ké, phòng phong, tỏi...Có 3 cách dùng tỏi: thứ nhất là bóc các tép tỏi sau đó giã nát, cho vào chén và đổ nước sôi vào, tạo thành phễu cho người bệnh hít thở. Người bệnh khi hít tinh dầu tỏi này sẽ giảm được các triệu chứng khó chịu do viêm mũi dị ứng gây ra. Thứ 2, nếu không tạo được phễu thì lấy nước tỏi bôi vào một số vị trí, đông y gọi là huyệt. Bôi vào các vị trí này thì cũng sẽ hết được các triệu trứng ngạt mũi, sổ mũi. Thứ 3, bạn có thể dùng uống trong, tức là bóc nhân tỏi ra ngâm trong giấm khoảng sau 4 ngày thì sẽ giảm độ cay. Mỗi một bữa cơm lấy ra khoảng 2-3 nhân để nhai và ăn cùng với cơm. Mỗi một bữa ăn 2 nhân, một ngày ăn 4 nhân. Vừa có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng là phòng bệnh”.
Cách điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên và phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất và luyện tập sức khỏe thường xuyên. Quan trọng nhất là vệ sinh môi trường sống và môi trường làm việc sạch sẽ, loại bỏ những dị nguyên gây dị ứng. Trong trường hợp chưa phát hiện ra được dị nguyên hoặc bị dị ứng do thời tiết thì người nên nên sử dụng các loại thuốc xịt mũi để giảm gặp khó chịu và đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Hướng dẫn rửa mũi đúng cách khi trẻ bị viêm mũi họng | |
Thuốc điều trị nhiễm khuẩn họng cấp tính ở trẻ |