Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 9 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm.
Thực tế, trước khi vào thị trường Việt Nam, xe công nghệ đã trở thành dịch vụ quen thuộc đối với người dân tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi quốc gia có một định nghĩa và một phương thức nhận diện khác nhau nhưng không nước nào yêu cầu xe công nghệ phải gắn mào/hộp đèn trên nóc.
Singapore là "bến đỗ" sôi động của các hãng xe công nghệ như Grab, Go Jek, Tada, Kardi... và cũng có những điều chỉnh chính sách nhất định đối với loại hình dịch vụ này. Để theo kịp sự chuyển mình của thị trường, luật Giao thông đường bộ sửa đổi (có hiệu lực tháng 7/2017) của đảo quốc sư tử đã có những điều chỉnh đối với phương tiện cho thuê cá nhân (Private Hire Vehicles) và tài xế tham gia vào hoạt động vận tải nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích của hành khách. Luật này quy định các xe tham gia nền tảng kết nối phải dán đề can chống giả mạo trên kính trước và sau xe. Đề can được cấp bởi Cục Giao thông Đường bộ Singapore, có kích thước 10 cm x 14 cm.
Tại Philippines, các doanh nghiệp kết nối vận tải, cung cấp dịch vụ kết nối vận tải (TNVS) phải đảm bảo hành khách được bảo hiểm bởi các nhà cung cấp bảo hiểm tai nạn hành khách cá nhân được chấp nhận bởi Ban Quản lý - Nhượng quyền thương mại Vận tải Đường bộ. Các nhà vận hành và tài xế phải tuân thủ các quy định và luật lệ ban hành bởi các cơ quan chính phủ, phải dán tem "Dịch vụ Phương tiện Mạng Vận tải" trên kính trước xe, được cấp bởi Ban Quản lý và Cấp phép Giao thông Đường bộ.
Ngoài ra, điều kiện không bắt buộc là trưng bày các dấu hiệu đồng phục của Công ty Mạng Vận tải. Các dấu hiệu này có thể đọc được từ khoảng cách 15 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày, và phản quang, phát sáng hoặc có thể nhìn rõ trong bóng tối. Các dấu hiệu dưới dạng nam châm hoặc có thể tháo rời được chấp nhận.
Nhiều quốc gia quy định sử dụng tem dán hoặc đề can để nhận diện xe công nghệ. (Ảnh: REUTERS)
Indonesia là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của tất cả các dịch vụ kết nối di chuyển đang hoạt động tại khu vực. Xe công nghệ được điều chỉnh bởi luật về Dịch vụ Vận tải Cho thuê Đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác (chữ đen trên nền vàng). Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng ký và hoạt động của phương tiện.
Tại Thái Lan, các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh quá trình xây dựng quy định để chính thức hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe như một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành du lịch của đất nước này. Hiện nay, mặc dù chưa được hợp thức hóa, các dịch vụ xe cá nhân kết nối qua ứng dụng vẫn đang hoạt động song song với xe taxi truyền thống, với điều kiện phương tiện được đăng ký đầy đủ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch. Các xe sử dụng kết nối này không phải đeo mào như taxi.
Ra ngoài khu vực Đông Nam Á, thành phố New York của Mỹ, nơi vị trí của những chiếc taxi màu vàng đặc trưng cũng đã bị lung lay ít nhiều trước xe công nghệ. Tuy nhiên, việc “bắt" xe công nghệ phải đeo mào hoặc “mặc đồng phục" vàng giống taxi truyền thống không phải là lựa chọn của thành phố này.
New York chỉ yêu cầu dán 3 đề can của Ủy ban Cấp phép trên kính trước và 2 kính hông phía sau phương tiện. Ủy ban Cấp phép sẽ trực tiếp dán các đề can này. Bên cạnh đó, phương tiện cần dán tem đăng ký, tem kiểm tra, tem thuế trên kính trước phương tiện và phương tiện được yêu cầu không có màu vàng của taxi hoặc màu xanh táo.
Tương tự như các quốc gia trên, thành phố Canberra và bang New South Wales (Úc) yêu cầu Uber và các phương tiện cung cấp dịch vụ đi chung xe phải có dấu hiệu phản quang (logo hoặc hình thức nhận diện khác) được trưng bày hoặc dán lên kính sau của phương tiện.
Có thể thấy, xu hướng để nhận diện xe công nghệ ở nhiều quốc gia là sử dụng đề can. Nếu được thông qua, Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô lần thứ 9 sẽ chính thức đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có xe công nghệ gắn mào.