Vietjet sở hữu một tàu bay, kì vọng thu 42.250 tỉ đồng nhờ chở 28 triệu lượt khách năm 2019

Vietjet đang sở hữu một tàu bay và 5 tàu bay theo hình thức thuê sở hữu. Năm 2019, hãng bay giá rẻ của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đặt kế hoạch mở thêm hơn 20 đường bay quốc tế, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách, doanh thu vận tải hàng không đạt 42.250 tỉ và lợi nhuận từ lĩnh vực này 3.800 tỉ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Hàng không Vietjet (MCK: VJC) tổ chức ngày 19/4, cổ đông của hãng hàng không giá rẻ này đã nghe báo cáo định hướng phát triển của hãng.

Theo đó, giai đoạn 3 năm tiếp theo, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, cũng như xem xét các cơ hội đầu tư hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kĩ thuật, mặt đất, đào tạo… phát huy lợi thế, kinh nghiệm của hãng.

Thu 42.250 tỉ đồng từ chở 28 triệu lượt khách

Năm 2019, Vietjet tiếp tục đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế, cũng như tăng tỉ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỉ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.

Vietjet sở hữu một tàu bay, kì vọng thu 42.250 tỉ đồng nhờ chở 28 triệu lượt khách năm 2019 - Ảnh 1.

Vietjet kì vọng doanh thu hàng không năm 2019 đạt 42.250 tỉ đồng và lợi nhuận từ lĩnh vực này 3.800 tỉ đồng.

Hãng bay giá rẻ của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đặt kế hoạch mở thêm hơn 20 đường bay quốc tế, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách, tăng trưởng doanh thu từ vận tải hàng không lên 42.250 tỉ đồng (tăng 28% so với năm 2017) và lợi nhuận từ lĩnh vực này là 3.800 tỉ đồng (tăng 34% so với cùng kì).

Doanh thu và lợi nhuận từ vận tải hàng không đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Vietjet. Cụ thể, hãng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trong năm 2019 lần lượt là 58.393 tỉ và 6.219 tỉ đồng.

Chia sẻ với cổ đông về triển vọng hàng không Việt Nam, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành Vietjet, khẳng định dư địa cho ngành hàng không nói chung và Vietjet nói riêng còn rất nhiều.

Theo ông Khánh, trong tương lai, từ 10-20 năm nữa nhu cầu đi lại rất cao, do vận chuyển từ Bắc vào Nam đi xe và tàu tốn rất nhiều thời gian và vẫn khó khăn. Về thị trường quốc tế, ông Khánh cho rằng không có giới hạn bởi nhu cầu du lịch của khách hàng ngày càng tăng.

Vấn đề Vietjet tập trung là kiểm soát chặt chẽ chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Cụ thể, một trong những giải pháp hãng đặt ra là tiết kiệm chi phí, giảm 5,5% tổng chi phí trên mỗi giờ bay nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Vietjet đang sở hữu một tàu bay

Một số cổ đông cũng thắc mắc về việc gần đây hãng đã đặt mua máy bay số lượng lớn, đồng thời đề nghị công khai kế hoạch sở hữu tàu bay, Phó Tổng giám đốc Trần Hoài Nam cho hay hiện Vietjet đang sở hữu một tàu bay và 5 tàu bay theo hình thức thuê sở hữu.

Theo ông Nam, có nhiều cách khác nhau để tăng trưởng tàu bay nhưng phải đảm bảo mức chi phí tài chính tốt nhất. Một tàu bay sở hữu so với đi thuê rẻ hơn một triệu USD nhưng phụ thuộc nhiều yếu tố tài chính.

Vietjet sở hữu một tàu bay, kì vọng thu 42.250 tỉ đồng nhờ chở 28 triệu lượt khách năm 2019 - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc Trần Hoài Nam cho hay hiện Vietjet đang sở hữu một tàu bay và 5 tàu bay theo hình thức thuê sở hữu.

Vietjet có kế hoạch sở hữu thêm 3-5 máy bay mỗi năm, đồng thời vẫn tập trung vào mô hình Sale and Leaseback để tăng trưởng đội bay. Nguồn vốn để có tài chính tăng thêm đội tàu bay là phát triển trái phiếu hay phương án khác.

Thời gian tới, hãng sẽ cân đối nguồn tài chính cho việc tăng trưởng đội tàu bay theo hướng đảm bảo tình hình kinh doanh. Giảm chi phí trên một triệu USD/ tàu/năm.

Năm 2018, Vietjet đã vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách, thực hiện gần 118.923 chuyến bay với 261.000 giờ khai thác an toàn, hệ số sử dụng ghế đạt 88,06%, khai thác mặt đất thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng trong năm 2018, hãng đã mở thêm một đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế. Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.779 tỉ đồng, tăng 49,8% so với năm 2017 và đạt 112,2% so với kế hoạch. Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế tăng gần 49% so với năm trước.

Bầu một thành viên HĐQT độc lập mới

Tại Đại hội lần này, Vietjet đã bổ sung thêm một thành viên HĐQT độc lập là ông Donal Joseph Boylan (sinh năm 1963). Ông Boylan là đồng sáp lập và đối tác của BCAP Partners, công ty con của Bravia Capital, một công ty tư nhân chuyên về kinh doanh vận tải và logistics.

Thành viên HĐQT độc lập mới của Vietjet được giới thiệu có 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng. Ông từng là Phó Chủ tịch của công ty cho thuê thiết bị lớn nhất Trung Quốc Bohai Capital Holdings, Giám đốc điều hành của hãng cho thuê máy bay lớn thứ ba thế giới Avolon.

Hiện HĐQT nhiệm kì 2017-2022 của Vietjet gồm 6 thành viên, là bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietjet, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT, và ba thành viên gồm các ông Chu Việt Cường, Lưu Đức Khánh và Đinh Việt Phương.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.