Đó là nội dung trong văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế gửi Bộ GTVT đề nghị cho phép triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa từ nguồn vốn xã hội hóa.
Theo văn bản, hiện UBND tỉnh Phú Yên đã nhận được đề xuất tài trợ lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, CTCP Hàng không Vietjet và CTCP Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt.
Theo đó, các đơn vị sẽ tự nguyện tài trợ kinh phí lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa. Sản phẩm quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ bàn giao cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp nhận quản lý, sử dụng.
UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ GTVT xem xét chọn đơn vị tài trợ và giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn tài trợ, tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa.
Như đã đưa tin trước đó, Vietjet cho biết, từ năm 2016, doanh nghiệp đã có các đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên về việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa.
Đến giữa năm 2018, Vietjet đã báo cáo UBND tỉnh Phú Yên về đề xuất chủ trương thực hiện dự án. Trên cơ sở đề xuất của Vietjet, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về chủ trương đầu tư xây dựng các công trình tại dự án.
Theo đó, Vietjet sẽ thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa (dự án) giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng phát triển tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thực hiện đánh giá lại tổng thể quy hoạch dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 4123 ngày 27/12/2007 và điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với định hướng phát triển của Cảng hàng không Tuy Hòa trong hệ thống Cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.
Việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa để làm cơ sở triển khai dự án nâng cấp và phát triển dự án theo chủ trương xã hội hóa, đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng và cả vùng Nam Trung Bộ nói chung trong thời gian tới.
Sau khi quy hoạch này được phê duyệt, Vietjet sẽ bàn giao lại sản phẩm Hồ sơ quy hoạch trên cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lí, sử dụng và không đòi hỏi điều kiện gì.
Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương có đề xuất dự án Tổ hợp Khu đô thị sân bay Tuy Hòa (Airport City).
Nhà đầu tư đề xuất dự án Airport City với mô hình bao gồm hàng không sân bay, hậu cần và các cơ sở thương mại, hệ thống hạ tầng giao thông và các cụm doanh nghiệp dịch vụ thương mại và ngành công nghiệp hàng không được hưởng lợi từ gần sân bay. Địa điểm dự án được đề xuất tại hai vị trí tiếp giáp với Sông Ba và tiếp giáp với sân bay Tuy Hòa.
Theo nhà đầu tư, hiện nay trên thế giới, sân bay không chỉ là trạm trung chuyển hàng hóa, hành khách mà còn là một thành phố thu nhỏ với các dịch vụ tiện ích đi kèm, là động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực và đất nước. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà bản thân khách cũng có lợi khi không phải mất thời gian và tiền bạc để đi lại quãng đường xa vào trung tâm thành phố.
Nhà đầu tư cho rằng, Khu kinh tế Nam Phú Yên đang có nhiều lợi thế triển vọng để liên kết với khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) hình thành nên đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của cả nước trong tương lai gần. Việc đầu tư dự án này sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng.