Vinaconex lên kế hoạch doanh thu tăng 70% nhưng lợi nhuận đi lùi vì 'ăn no vác nặng' mảng đầu tư công

Năm 2023, Vinaconex dự kiến tổng doanh thu hợp nhất tăng 70% so với năm ngoái lên 16.340 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 860 tỷ đồng, giảm 8% do lợi nhuận mảng đầu tư công không cao còn bất động sản lợi nhuận các hạng lớn nhưng số lượng hạng mục không nhiều.

 

 ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vinaconex diễn ra sáng nay. (Ảnh: Thu Thủy).

Sáng nay (14/4), Tổng công ty cổ phần Vinaconex tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua mục tiêu kinh doanh năm nay với tổng doanh thu hợp nhất tăng 70% so với năm ngoái lên 16.340 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 860 tỷ đồng, giảm 8%.

Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu 10.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.

Ngoài ra, đại hội Vinaconex cũng thông qua tỷ lệ chia cổ tức 10% cho cổ đông năm 2022 bằng cổ phiếu. Số cổ phiếu VCG dự kiến phát hành theo đó là 48,6 triệu cổ phần. Vốn điệu lệ sau khi phát hành ước đạt gần 5.345 tỷ đồng.

Cập nhật tình hình kinh doanh quý I, lãnh đạo công ty cho biết kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ 2022 do Vinaconex đã bàn giao được dự án Mai Sơn quốc lộ 45, dự án Dầu Giây - Phan Thiết. Đây là hai gói thầu lớn, có quy mô 4.000 - 5000 tỷ, nếu bàn giao thì sẽ được quyết toán và có dòng tiền.

“Lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%"

Trong giai đoạn 2022 – 2025, Vinaconex xác định xây lắp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng, doanh thu hàng năm. Trong đó, các dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư công vẫn sẽ là động lực dẫn dắt chính trong việc tăng trưởng quy mô.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát toàn cầu, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, thị trường bất động sản trong nước bước vào giai đoạn điều chỉnh cả về giá và tính thanh khoản, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng trưởng quy mô của lĩnh vực xây lắp.

Bên cạnh đó, việc phải cạnh tranh về giá do thiếu hụt việc làm, chi phí vật tư vật liệu và chi phí tài chính tăng sẽ bào mòn biên lợi nhuận vốn khá mỏng của ngành xây dựng.

 

Ông Đào Ngọc Thanh chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: Thu Thủy).

 

Tại đại hội Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cũng chia sẻ: “Trong các báo cáo của Ban Giám đốc và HĐQT cũng có đề cập, hoàn cảnh hiện nay khá khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng, giá nhân công tăng… do đó hiệu quả của các công trình đầu tư công đã hạch toán trong năm 2022 có lợi nhuận nhưng rất thấp.”

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 đi lùi so với năm ngoái dù tổng doanh thu ước tính tăng trưởng 70%.

Cụ thể, ông Thanh cho biết: “Lợi nhuận Vinaconex phụ thuộc vào ba trụ cột. Bên cạnh việc đầu tư tài chính thì ổn định, bất động sản lợi nhuận các hạng mục lớn nhưng số lượng hạng mục ghi nhận cho 2023 không nhiều.

Riêng với đầu tư công, giá trị dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%".

Trả lời câu hỏi của cổ đông về định hướng doanh nghiệp làm tổng thầu EPC, ông Đào Ngọc Thanh cho hay làm EPC cho một dự án là điều hết sức mong muốn nhưng lực bất tòng tâm, cần phải có một quá trình. Để làm EPC cho một dự án công nghiệp đặc biệt cho các nhà máy lớn là khó khi phải có hệ thống đồng bộ từ thiết kế, mua sắm, thương mại. Bản thân thi công chỉ là một phần việc nhỏ trong đó.

Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông cũng nói thêm, Vinaconex hiện đang làm nhiều các dự án công nghiệp nhưng Vinaconex đều hợp tác với đối tác nước ngoài. Ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tổng thầu được nhà máy lọc dầu hay nhiệt điện bởi vì liên quan tới công nghệ, thiết bị, bảo trì, hệ thống vận hành,…

Ông Đào Ngọc Thanh trả lời cổ đông tại đại hội. (Video: Thu Thủy).

 

Không đầu tư dàn trải BĐS, ưu tiên các dự án đầy đủ pháp lý và có nhu cầu thật

Về mảng đầu tư bất động sản, Vinaconex hiện không đầu tư dàn trải mà tập trung triển khai các dự án có pháp lý đầy đủ, sản phẩm phục vụ nhu cầu thật của người dân như chung cư Green Diamond 93 Láng Hạ, Cát Bà Amatina, TTTM chợ Mơ, dự án Km3-4 Móng Cái, KĐT đại lộ Hòa Bình – Móng Cái.

Đồng thời triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, sẵn sàng triển khai trên thực địa khi tình hình thị trường thuận lợi.

Dự án trọng điểm của Vinaconex với vốn đầu tư cả tỷ USD là Khu đô thị Amatina Cát Bà, Hải Phòng (172 ha) đã xây dựng xong 99 lô biệt thự khu A1 để bàn giao cho khách hàng trong năm 2022 và 2023 và xây thô 51 căn khu A3, A4. Công ty đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án trong năm nay.

Bên cạnh đó, dự án khu dân cư tại Km3, Km4 tại Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh (43,8 ha) đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất và nhận bàn giao đất, hoàn thiện thủ tục bán hàng, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô.

Trong năm 2023, công ty dự án hoàn thành công tác xây thô, hoàn thiện mặt ngoài cùng các căn shophouse và triển khai bán hàng, ghi nhận doanh thu trong năm nay.

Với KĐT đại lộ Hòa Bình (48,8 ha), kế hoạch năm nay là hoàn thành thi công hạ tầng và thủ tục bán hàng đã được giao đợt 1 (đã hoàn thành GPMB), tiếp tục công tác GPMB và nhận bàn giao đất phần còn lại của dự án.

Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ đang thực hiện bán hàng, bàn giao nhà cho khách hàng và dự kiến ghi nhận toàn bộ kết quả kinh doanh trong quý III/2023.

TTTM chợ Mơ, Hà Nội đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào hoạt động cho thuê trong 6 tháng đầu năm nay.

Chia sẻ thêm, ông Đào Ngọc Thanh cho biết: “Phần lớn các khu đô công ty đang đầu tư đã hoàn thành các thủ tục pháp lý. Vấn đề tiếp tục triển khai và ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận ra sao là một câu chuyện.

Ví dụ dự án Khu dân cư Km3, Km4 ở Quảng Ninh (43,8 ha) hay Khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (48,8 ha) đã bỏ rất nhiều tiền giải phóng mặt bằng và đang cố gắng kinh doanh hạ tầng để ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên có những dự án khác không thể nào làm ngay tức thì.

Trong tình hình kinh tế xã hội và khó khăn về thủ tục pháp lý thì việc triển khai không đơn giản. Vinaconex sẽ cố gắng thực hiện nhưng đầu tư kinh doanh phải mang lại lợi nhuận chứ không cần nhiều mà hiệu quả thấp.

Việc có tiếp tục đầu tư các dự án này hay không phải căn cứ vào yếu tố số một là thị trường, bên cạnh yếu tố pháp lý khi Việt Nam hiện đang bị tắc về vấn đề này. Chính phủ đã phải đưa ra nghị quyết để giải cứu bất động sản nhưng giải cứu ra sao thì vẫn cần chờ đợi.”

Bên cạnh đó, tại đại hội, phản hồi câu hỏi của cổ đông về vấn đề trái phiếu, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết: “Năm 2022 thì trái phiếu là vấn đề nóng bỏng trên thị trường. Vinaconex là tổng công lớn thì chúng ta phải huy động từ kênh trái phiếu, nhưng trái phiếu của công ty có tài sản đảm bảo.”

Ngoài ra, Vinaconex đã tất toán khoản trái phiếu 1.500 tỷ đồng trong năm 2022. Còn lại 3.700 tỷ đồng ông Thanh cho biết công ty sẽ tiếp tục thu xếp trả nợ trước hạn trong năm 2023.

 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.