Như Việt Nam Mới thông tin, vào ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố thông tin về kết quả chương trình khảo sát nước mắm trên toàn quốc.
Theo đó, Vinastas cho biết, cơ quan này đã chọn khảo sát 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 doanh nghiệp được bán trên thị trường cả nước.
Kết quả cho thấy, 125/150 (chiếm 83,33%) mẫu khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn. Trong đó, có đến 76 (chiếm 51%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ tổng; 30 (20%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amin; 3 (2%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amoniac; đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu Asen tổng (thạch tín).
Vinastas tiếp tục kiểm tra 20 mẫu trong số 101 mẫu không đạt tiêu chuẩn Asen thì không phát hiện Asen vô cơ.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống có thể lâm vào tình trạng lao đao sau ngày Vinastas công bố thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt mức cho phép. |
Tức là, Asen trong các mẫu mà Vinastas khảo sát chỉ là Asen hữu cơ. Mà Asen hữu cơ gần như không gây tác hại gì với con người, chỉ có Asen vô cơ là chất độc hại, người sử dụng phải chất này có thể dẫn đến ung thư.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu khi đó Vinastas giải thích rõ chi tiết này. Thay vào đó, cơ quan này đã công bố thông tin với những cụm từ chung chung, dễ gây hiểu lầm như “Asen tổng vượt ngưỡng quy định”, “hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”...
Hôm 17/10, Vinastas cũng đã cho đăng tải một bài viết trên website của cơ quan này với tựa đề: “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn”. Bài viết này thông tin về việc nước mắm nhiễm Asen thiếu rõ ràng như đã nói ở trên.
Người tiêu dùng đâu phải ai cũng thông thái để có thể hiểu thế nào là "Asen tổng vượt ngưỡng quy định"? Chính cách thông tin “mập mờ” của Vinastas đã ít nhiều khiến dư luận hoang mang, hiểm lầm là phần lớn nước mắm hiện nay đều chứa chất hóa học nguy hại.
Điều này đã khiến hàng loạt đơn vị kinh doanh nước mắm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã "lao đao" do lo ngại người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của mình. Thậm chí, rất nhiều siêu thị đã bắt đầu rút khỏi kệ hàng nhiều loại nước mắm truyền thống.
Đáng chú ý hơn, sau khi Vinastas đưa ra “cảnh báo nước mắm nhiễm Asen”, một doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp đã tung ra quảng cáo với nội dung khẳng định nước mắm của doanh nghiệp này “đảm bảo, an toàn thạch tín.”
Chính điều đó càng khiến cho dư luận phải đặt câu hỏi rằng, liệu có mối liên quan nào giữa cách công bố thông tin thiếu rõ ràng của Vinastas với quảng cáo "nước mắm an toàn thạch tín" rất nhanh chóng của doanh nghiệp nói trên hay không?
Sau khi dư luận phản ứng, trong ngày hôm nay (21/10), Vinastas đã gỡ bài viết “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” nói trên. Đồng thời, cơ quan này cho đăng tải một bài viết mới để nói về một số vấn đề chương trình khảo sát nước mắm mà đơn vị này đã công bố.
Khác với cách thông tin trước đây, lần này Vinastas đã giải thích rõ Asen tổng gồm cả Asen vô cơ và Asen hữu cơ. Aarsen vô cơ có tính độc hại cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Vinastas không phát hiện chất này trong các mẫu mà đơn vị tiến hành khảo sát.
Đáng chú ý, Vinastas lại “đổ lỗi” cho báo chí trong việc người dân lo lắng sau khi cơ quan này công bố kết quả khảo sát nước mắm hôm 17/10 vừa qua.
“Kết quả cho thấy đúng là trong gần 67% mẫu nước mắm khảo sát có chứa arsen tổng vượt mức quy định trong QCVN 8-2:2011:BYT.
Bên cạnh đó, số liệu thử nghiệm cũng cho thấy đúng là nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ mẫu có Arsen tổng càng cao. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm này mới chỉ thông tin về tổng hàm lượng arsen tức là bao gồm cả Arsen hữu cơ và arsen vô cơ, trong đó đặc biệt là Arsen vô cơ có tính độc hại cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, Vinastas tiến hành thử nghiệm tiếp hàm lượng Arsen vô cơ trong 20 mẫu khảo sát có hàm lượng Arsen tổng vượt mức quy định. Kết quả cho thấy, cả 20 mẫu đều không phát hiện có arsen vô cơ với giới hạn phát hiện là 0,01 mg/L.
Với kết quả thử nghiệm sơ bộ này có thể đưa ra nhận xét là trong các mẫu nước mắm mà Vinastas mua trên thị trường để khảo sát có tới gần 67% sô mẫu có chứa arsen tổng cao hơn mức quy định của Bộ Y Tế, song chưa phát hiện thấy có arsen vô cơ là chất gây độc hại cho người tiêu dùng.
Vì vậy nếu bình tĩnh đọc kỹ thông tin do Vinastas đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như các thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua,” Vinastas nêu rõ trong bài viết được đăng tài trên website của đơn vị này vào chiều nay.