Theo Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia đối với nước mắm của Bộ Y tế, nước mắm là sản phẩm dạng lỏng, trong, không đục, có vị mặn của muối và mùi của cá, thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối.
Sản phẩm được chế biến bằng cách trộn cá với muối. Hỗn hợp cá, muối được đặt trong thùng chứa có nắp đậy. Quá trình lên men thông thường diễn ra ít nhất từ 6 tháng trở lên.
Sau đó có thể chiết tiếp bằng cách thêm nước muối để chiết phần đạm và vị cá còn lại. Có thể bổ sung một số thành phần khác để hỗ trợ quá trình lên men.
Từ lâu, nước mắm đã trở thành một gia vị, nước chấm không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam. (Ảnh minh họa: Một thế giới)
Trong văn bản của Bộ Y tế cũng qui định, trong nước mắm chỉ được sử dụng các phụ gia chia theo nhóm chức năng như sau: chất điều chỉnh độ axit, chất tăng hương vị, chất tạo ngọt, chất màu, chất tạo nhũ và chất tạo ổn định và chất bảo quản đạt tiêu chuẩn về mức tối đa.
Danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm của Bộ Y tế. (Ảnh chụp màn hình).
Trên website của Viện Sốt rét kí sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Ths. Phạm Nho cho biết, Phụ gia thực phẩm là các chế phẩm tự nhiên hay tổng hợp hóa học, không phải là thực phẩm, được cho vào sản phẩm với mục đích đáp ứng nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến (tạo màu, mùi vị, tạo nhũ, …), vận chuyển, đóng gói, bảo quản, tăng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Phụ gia vẫn còn được lưu lại trong thực phẩm ở dạng nguyên thể hoặc dẫn xuất nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Ths. Phạm Nho cũng chia sẻ về những lợi ích của phụ gia thực phẩm nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng như:
- Tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng
- Giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng
- Tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường
- Kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm
- Giá thành thực phẩm thấp hơn: Trong rất nhiều trường hợp, việc sử dụng phụ gia làm giảm giá thành sản phẩm
Sử dụng chất phụ gia quá ngưỡng cho phép có thể gây nhiều tác hại đối với sức khỏe. (Ảnh minh họa: Infonet)
Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại xấu đến sức khỏe như:
- Gây ngộ độc cấp tính: Nếu dùng quá liều cho phép.
- Gây ngộ độc mãn tính: Dù dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài.
- Nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp.
- Nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: phá huỷ các chất dinh dưỡng, vitamin...
Trao đổi với Người lao động, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và đã được nghiên cứu kĩ về độ an toàn.
Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng. Với trẻ em vốn đang hình thành thói quen ăn uống, nếu không được tập làm quen với các thực phẩm có phụ gia thì sẽ không có nhu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm.
Vì vậy, không phải cứ nước mắm chứa chất phụ gia là độc hại, miễn là hàm lượng chất phụ gia trong ngưỡng cho phép thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.