Chi phí cho nhà ở (thuê nhà, tiết kiệm mua nhà, trả góp mua nhà) chiếm khoảng 30-40% thu nhập hộ gia đình. |
Gần đây, vợ chồng chị Mai Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang phải nhịn ăn nhịn tiêu để gom tiền trả bớt cho ngân hàng. Khoản vay 700 triệu đồng mua nhà cách đây 5 năm đang “ngốn” của vợ chồng chị khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng để trả gốc và lãi cho ngân hàng.
“Thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ được tầm 25-30 triệu đồng mỗi tháng mà tôi đã phải dành tới 10 triệu đồng để trả cho ngân hàng. Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, tiền ăn học, bỉm sữa cho con, mỗi tháng chúng tôi gần như không còn lại bao nhiêu để tiết kiệm. Do đó, món vay thời hạn tới 15 năm nhưng vợ chồng tôi tính dồn tiền để trả hết cho đỡ nặng gánh”, chị Hoa tâm sự.
Tuy nhiên, gia đình chị Mai Hoa vẫn còn "sáng sủa" hơn rất nhiều so với nhiều trường hợp vay tiền ngân hàng mua nhà nhưng dự án chậm tiến độ, nhà chưa thấy đâu mà tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả.
Rơi vào tình cảnh này, đại diện khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ Bright City chia sẻ, bản thân những người mua nhà tại đây đều là những người lao động nghèo từ các tỉnh xa về làm việc tại Hà Nội, 99% trong số họ đang phải thuê nhà ở. Vì vậy hàng tháng ngoài số tiền lãi họ vay ngân hàng thì họ còn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để trả tiền thuê nhà hàng tháng.
“Việc gánh trên vai một khoản nợ cộng với việc thuê nhà hàng tháng thử đặt ra 1 bài toán trong một vài năm tới họ mới được về ngôi nhà mình ở liệu người lao động nghèo có đủ sức cáng đáng không? Trong khi tiền sữa, tiền học cho con phải chắt bóp từng đồng, chúng tôi vẫn phải trả tiền nhà thuê, tiền nợ ngân hàng trong khi nhà mình mua chỉ là một khối bê tông lạnh lẽo”, đại diện cư dân tại đây cho biết.
Theo một báo cáo mới công bố của HSBC khảo sát với 10 quốc gia, người vay mua nhà hiện phải dành khoảng 40% thu nhập để thanh toán cho khoản vay mua nhà, nếu lãi suất tăng 5% sẽ có tới 47% gặp khó khăn trả nợ ngân hàng. Tuy Việt Nam không thuộc nhóm 10 nước tham gia khảo sát của HSBC nhưng với con số này cũng khá tương đồng với một nghiên cứu trước đó được thực hiện bởi Savills.
Tham luận tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô - động lực tăng trưởng kinh tế năm 2017” diễn ra giữa năm ngoái, TS Phạm Văn Đại, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản chiếm vị trí trung tâm trong tổng cầu khi chi phí cho nhà ở (thuê nhà, tiết kiệm mua nhà, trả góp mua nhà) chiếm khoảng 30-40% thu nhập hộ gia đình.
Ông Richard Napier, Giám đốc toàn cầu phụ trách về Vay mua nhà, Tập đoàn HSBC cho biết: “Người vay mua nhà dành trung bình gần 40% thu nhập hằng tháng để thanh toán cho khoản vay mua nhà của họ. Lẽ đó, họ cần phải cân nhắc đến khả năng lãi suất sẽ gia tăng khi lên ngân sách chi tiêu trong gia đình và nên tìm hiểu thị trường để có được mức lãi suất tốt nhất có thể".
Chi phí dành cho nhà cửa lớn phần chính là do giá nhà của Việt Nam thuộc hàng tương đối cao so với thu nhập.
Theo dữ liệu của Numbeo.com vào năm 2017, giá nhà tại Việt Nam đang cao gấp 25 lần so với thu nhập trung bình của người dân. So sánh này chỉ ra, tiềm năng và cơ hội của phân khúc căn hộ vừa túi tiền, dưới 900 USD một m2 tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Bởi lẽ đây là dòng sản phẩm nhà ở gần với khả năng chi trả của người dân.
Theo các lý giải, việc giá nhà quá cao, gấp đến hàng chục lần thu nhập là bởi giá đất đai đắt, các loại sắc thuế về đất đai khá cao và cách thu của Nhà nước chưa hợp lý.
Tại cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương cách đây không lâu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đưa ra một thông tin, ở Hàn Quốc, giá nhà của thị trường này gấp 5-7 lần thu nhập của người dân. Trong khi tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền, chứ không nói nhà cao cấp, đã gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
“Như vậy, giá nhà của chúng ta là nằm ngoài khả năng của đa số người dân và đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, tính toán”, ông Châu nói.