Báo chí đã liên lạc với vợ của diễn viên, NSƯT Xuân Bắc. Chị tên là Nguyễn Hồng Nhung, hiện là thạc sĩ, giảng viên chuyên ngành sân khấu Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội.
Vợ nghệ sĩ Xuân Bắc suy sụp, gầy sọp và khóc nghẹn kể lại việc bị đối xử bất công tại nơi giảng dạy.
"Tại sao khoa Sân khấu mà sinh viên không có một sân khấu tối thiểu, không có nơi ngăn cách khán giả với diễn viên? Tại sao ban giám hiệu nhà trường bắt chúng tôi thông cảm 14 năm nay? 14 năm nay chúng tôi không có gì trong tay, cứ bắt chúng tôi thi giáo viên dạy giỏi"... Chị Nhung nói trong video
* Như chị đã chia sẻ, chị đã đi đến giới hạn của sự chịu đựng. Chính xác chị phải chịu đựng điều gì và chịu đựng bao lâu đến mức phải livestream?
- Việc hôm qua tôi sử dụng công cụ livestream là vì tôi đã bị dồn nén mấy tháng nay, đến mức không chịu nổi. Chuyện cơ sở vật chất trường xuống cấp đã đến mức không thể cứu vãn được nữa.
Người ta có thể đấu tranh vì cái ghế địa vị. Còn tôi thì đấu tranh để có được ghế ngồi cho chính bản thân mình và các em sinh viên, nhưng khó quá.
Khi tôi livestream, tôi đã giấu anh Bắc (NSƯT Xuân Bắc - PV), chờ anh đi công tác. Tôi thực sự xấu hổ với chồng tôi khi phải làm việc này. Nhưng đây là việc chẳng đặng đừng.
Khoa sân khấu từng có văn bản yêu cầu nhà trường quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất giảng dạy nhưng không được quan tâm. Nên cá nhân tôi quyết định lên tiếng.
Tôi không thể hiểu được tại sao một trường nghệ thuật giữa lòng thủ đô mà sinh viên phải rút dép ra ngồi.
* Chị có thể nói cụ thể hơn, tại sao lại đến mức không có bàn ghế?
- Suốt 14 năm nay chúng tôi dạy và học về sân khấu nhưng không hề có một cái sân khấu tối thiểu. Chúng tôi phải lấy các tấm panô làm cánh gà. Chúng tôi phải biến báo để tạo ra tấm ngăn cách giữa người diễn và khán giả. Tầng 4 thì nóng tới 40 độ, không quạt, không điều hòa, từng ấy con người sao có thể chịu nổi.
Lớp học không có ai dọn dẹp. Phòng thì ẩm mốc, bàn ghế chồng chất lên nhau. Khi xuống phòng 1B ở dưới sân trường, chúng tôi đã phải đi lấy ghế ở bãi phế thải để ngồi.
Khi tôi đề đạt với trường tôi cần có ghế để dạy và học. Trưởng phòng hành chính nói cái này không nằm trong ngân sách mua sắm tập trung, chúng tôi không giải quyết được.
Mới đây họ lấy những cái ghế ở hành lang của các khoa khác cho chúng tôi. Còn khi tôi họp triển khai đầu năm với ban giám hiệu, các lãnh đạo nói thời gian này căngtin đang đóng cửa, có thể lấy ghế căngtin thay thế.
Khi tôi phản ứng thì hiệu trưởng nói cả cái trường này có phòng nào đạt tiêu chuẩn đâu mà đòi hỏi. Tất nhiên chúng tôi không đòi hỏi quá đáng. Thôi thì không có đủ điều kiện mua sắm thì cũng phải thu xếp sao cho phòng học sạch sẽ, trang bị tối thiểu.
Đã có lần tôi và sinh viên phải làm biên bản, chụp ảnh lớp học cho thấy tình trạng lớp như thế nhưng các phòng ban chức năng không quan tâm.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nhung trong video livestream |
* Chị cũng trực tiếp chỉ trích một giảng viên thuộc diện cộng tác viên của trường, vì cho rằng nhân vật này đã gạt chị ra khỏi ban chấm thi tốt nghiệp. Xin hỏi, vì sao việc chị có trong ban chấm thi tốt nghiệp lại quan trọng với sinh viên của chị đến thế?
- Người cộng tác viên đó với tôi và chồng tôi không có hiềm khích gì. Nên tôi rất ngạc nhiên khi biết người đó muốn gạt tôi ra khỏi ban chấm thi.
Người đó nói tôi không có đủ tư cách ngồi chấm thi với NSND. Tôi có bằng chứng về điều đó.
* Cụ thể vì lý do gì mà nhân vật đó phải can thiệp để loại chị ra khỏi ban chấm thi?
- Lý do rất tế nhị. Nhưng tôi phải nói nếu tôi giận cộng tác viên này một thì tôi giận nhà trường bảy phần, vì đã loại tôi một cách vô lý. Tôi cho rằng cách tổ chức ban chấm thi tốt nghiệp của trường không thống nhất.
Nếu chủ trương không cho giảng viên chủ nhiệm chấm thi thì tôi chỉ không chấm lớp của tôi thôi, còn tôi vẫn có đủ điều kiện để chấm lớp khác cơ mà.
Nếu chủ trương mời ban chấm thi toàn người ngoài trường thì tại sao bộ môn múa, giảng viên lại được phép chấm điểm cho sinh viên lớp mình chủ nhiệm.
Chủ trương là giảng viên không được chấm thi chính sinh viên mình đã hướng dẫn thì tại sao lại có hai thầy dạy sân khấu chấm sinh viên mình đã hướng dẫn?
* Tóm lại, chị làm việc này vì điều gì?
- Đến giờ danh dự của tôi còn không bảo vệ được thì nói gì đến việc đấu tranh quyền lợi cho sinh viên. Thực sự tôi cảm thấy tôi không xứng đáng là thầy nếu tiếp tục để các em đóng tiền học mà phải học trong môi trường có cơ sở vật chất tệ như vậy.
Tôi không hổ thẹn với những gì tôi nói. Tôi có bằng chứng hết. Tôi hoàn toàn có thể bỏ việc. Tôi chỉ muốn đấu tranh lần này, thực tâm chỉ muốn tạo ra một bước ngoặt thay đổi.
Tôi muốn đấu tranh công khai để mọi người phải quan tâm đến vấn đề này. Vì đây không phải là vấn đề cá nhân nữa, mà là vấn đề chúng ta đang tước đi quyền của người học.