Theo giới phân tích, diễn biến tiêu cực của cổ phiếu MML trong phiên đầu tiên một phần do mức định giá được xem là quá cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành, và vượt kì vọng từ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đà giảm của cổ phiếu này được nhận định còn do cộng hưởng với các cổ phiếu khác trong nhóm Masan.
Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu MSN cũng quay lại đà giảm, mất 3,2% thị giá và trở thành mã giảm mạnh nhất trong rổ VN30. Cổ phiếu MCH của Masan Consumer đến cuối phiên cũng mất 3,6% giá trị.
Masan MeatLife tiền thân là Masan Nutri-Science, được thành lập vào cuối năm 2011, với vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng. Sau bốn lần thay đổi, vốn điều lệ hiện tại là 3.243 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng mới đổi tên vào tháng 7/2019 theo kế hoạch chuyển từ công ty thức ăn chăn nuôi thành công ty hàng tiêu dùng nhanh, cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.
Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nhất, nắm hơn 79% vốn tại Masan MeatLife. Bên dưới doanh nghiệp này có 2 công ty con trực tiếp, 16 công ty con và 4 công ty liên kết sở hữu gián tiếp.
Masan MeatLife ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm của mảng thức ăn chăn nuôi đạt hơn 6.700 tỉ đồng. Mảng thịt đạt 65 tỉ đồng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đóng góp khoảng 10% (tương đương 1.000 tỉ đồng) vào doanh thu hợp nhất.
Theo bản cáo bạch, ban lãnh đạo Masan MeatLife vừa thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào đầu quý IV/2019.
Theo đó, doanh thu dự kiến trong năm 2019 được điều chỉnh còn 13.540 tỉ đồng, giảm 25% so với kế hoạch đầu năm và thấp hơn 3% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cả năm dự kiến đạt 270 tỉ đồng, tăng so với ước tính 200 tỉ đưa ra đầu năm.