Theo Infonet đưa tin, dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra vào ngày 8/1/2019.
Tuy nhiên, trước ngày TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) mở lại phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, vợ của bác sỹ Hoàng Công Lương làm đơn xin xét xử chồng vắng mặt.
Trong lá đơn gửi TAND TP Hòa Bình được ký ngày 5/1, chị Đinh Thị Huyền Thư - vợ của bác sĩ Hoàng Công Lương (bị can bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”) trình bày về việc Hoàng Công Lương nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình từ ngày 23/12/2018.
Theo chị Thư trình bày trong đơn, nguyên nhân được xác định là do bác sỹ Hoàng Công Lương bị hoảng loạn, sốc tâm lý. Ngày 24/12, khi cán bộ TAND TP Hòa Bình đến bệnh viện giao Giấy triệu tập bị cáo và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Huyền Thư đã thay mặt chồng ký nhận giấy tờ do cán bộ Tòa án giao.
Sau đó, ngày 25/12/2018, Hoàng Công Lương được chuyển về điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán “rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm”.
Sau khi xuất viện, ngày 30/12/2018, Hoàng Công Lương lại được đưa vào cấp cứu tại khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp - BVĐK tỉnh Hòa Bình, hiện vẫn đang điều trị tại đây.
Bác sĩ Hoàng Công Lương. (Ảnh: Phi Hùng). |
Căn cứ theo quy định tại Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa được quy định như sau:
Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả.
- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
- Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về vấn đề này như sau: “Trong trường hợp bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên toà với lý do “bị ốm”. Tùy từng trường hợp mà tòa án quyết định như sau:
Nếu đúng là bị cáo ốm (có bệnh án, có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử (như phạm tội quả tang, chứng cứ đã đầy đủ rõ ràng…) Tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.
Nếu sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử (như: cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án, thì tòa án phải hoãn phiên tòa.
Nếu gia đình bị cáo thông báo cho tòa án về việc bị cáo bị ốm, nhưng không có căn cứ chứng minh là bị cáo bị ốm (như: không có bệnh án, không có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) thì sự vắng mặt của bị cáo là không có lý do chính đáng và bị cáo sẽ bị áp giải đến phiên tòa.
Tuy nhiên, trong trường hợp vắng mặt bị cáo không trở ngại cho việc xét xử thì tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.
Vụ Hoàng Công Lương: Hai bị can tự nguyện bồi thường, hỗ trợ gia đình nạn nhân
Trách nhiệm dân sự cụ thể trong vụ án chạy thận làm 9 người chết ở BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ được TAND thành phố ... |
Vụ chạy thận 9 người tử vong ở Hoà Bình: Đổi tội danh của BS Hoàng Công Lương
So với cáo trạng trước đó, bản cáo trạng lần này đã đổi tội danh của BS Hoàng Công Lương từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm ... |
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công ... |