Cửa hàng Khaisilk tại Hàng Gai, Hà Nội, nơi bị phát hiện bán hàng tráo đổi nhãn mác Made in China - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc công ty Tinh hoa Quản trị, nhận định: "Vụ Khải Silk thay nhãn sản phẩm mà nhân viên cắt để sót cái nhãn "Made In China" trên một sản phẩm thì đúng là "không có cái xui nào giống cái xui nào".
Ông Hòa, người từng giữ chức vụ CEO của một số doanh nghiệp trong nước, nhận định rằng khi chia sẻ với đàn em khởi nghiệp, có một số "bí kíp" mà các đàn anh thành đạt thường không chịu chia sẻ, và đây có lẽ là một trong những "bí kíp kinh doanh" thuộc loại ấy.
Câu chuyện kinh doanh thành công (không chỉ riêng ở Việt Nam mà môi trường nào cũng vậy) thường luôn có hai mặt, mặt trắng và mặt đen.
Và những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông, tại các hội thảo, được in thành sách... thì thường chỉ mới phản ánh một mặt, mặt trắng, còn mặt đen thì không bao giờ người ta chia sẻ.
Người Trung Quốc có câu "cho bạc cho vàng chứ không chỉ đàng làm ăn". Vậy nếu bạn chỉ tham khảo mặt trắng, rồi bắt chước làm theo thì chắc chắn là sẽ thất bại. Còn nếu ai chịu khó bỏ công thâm nhập, nghiên cứu sâu hơn, cả mặt trắng lẫn mặt đen thì may ra", ông Hòa nhận xét.
Một số doanh nhân cho rằng câu chuyện về mua hàng Trung Quốc về rồi thay đổi mác không phải là chuyện hiếm hoi ở Việt Nam, nhất là trong ngành dệt may.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết việc sản phẩm dệt may được mua "nguyên đai, nguyên kiện" từ Trung Quốc, sau đó về được "phù phép" thành "Made in Việt Nam" rất phổ biến tại các chợ đầu mối, shop thời trang hỗn hợp.
Đặc biệt, theo ông Hồng, sau một loạt các sự cố liên quan đến chất lượng nguyên liệu của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, các thương lái buôn sỉ, đánh hàng chuyến càng tích cực "thay da đổi thịt" từ "Made in China" sang "Made in Vietnam".
Mục đích của việc này, ông Hồng cho biết, là nhằm "đẩy" được hàng nhanh hơn vì chính người tiêu dùng trong nước buộc thị trường phải đổi hướng như vậy.
Đa số các ý kiến đều lên án câu chuyện đổi trắng thay đen đó và cho rằng đó không phải là bí kíp kinh doanh mà thực ra là một hành động lừa đảo, treo đầu dê bán thịt chó.
Dù vậy, cũng không ít tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng một thương hiệu lụa của người Việt lại đi bán hàng Trung Quốc. Và khi niềm tin vào hàng Việt có phần giảm đi thì câu chuyện này lại bồi thêm một cú đấm cho cộng đồng doanh nhân.
Một doanh nhân được cho là bạn của ông Hoàng Khải giải thích không có ý "bênh" ông này về chuyện bán khăn vì dù sao cũng đã sai rành rành ra đó.
Hành động này, theo vị này, là "nếu có thì quản lý thị trường đến phạt vì hành động bán không đúng theo công bố", và rằng với các khách hàng đã "lỡ" mua thì đem ra đổi.
Và lẽ ra nên làm rõ đó là khăn Trung Quốc, rằng Made in China for Khaisilk" thì rõ ràng hơn.