Theo VOV đưa tin, sáng 9/3, cô giáo H. được nêu trong vụ việc chồng tố cáo vợ quan hệ bất chính với học sinh lớp 10 gây bão mạng trong những ngày qua đã lên tiếng về vụ việc.
Cô giáo này cho rằng mình bị tố cáo oan, mất hết danh dự cá nhân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Cô H. cho biết, trước khi chồng cô gửi đơn tố cáo cô quan hệ bất chính với học trò thì hôn nhân giữa hai người đã rạn nứt và đang giành quyền nuôi con chưa đủ 36 tháng tuổi (hai người sẽ ra tòa vào thứ Ba, ngày 12/3 tới). Cô H. cho rằng người chồng mình đã dùng thủ đoạn này để giành quyền nuôi con.
Người bị tố cáo khẳng định hoàn toàn không có chuyện quan hệ bất chính hay quan hệ trên mức tình cảm với học sinh lớp 10 như đơn tố cáo.
Ảnh minh họa.
Nếu như những lời cô giáo này là chính xác thì người chồng có thể bị xử lý thế nào?
Những hành vi như bịa đặt chuyện xấu cho người khác, hư cấu những chuyện không có thật, loan truyền điều biết rõ là vu oan cho người khác, bịa đặt chuyện người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước... được xem là vu khống.
Hành vi này có thể thực hiện thông qua hình thức truyền miệng, viết bài, gửi đơn hoặc thư tố giác, nặc danh. Hậu quả là nạn nhân mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp.
ĐIều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
"1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
…
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại".
Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Khoản 1 ĐIều 5 Nghị định 167/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt với hành vi vi phạm về trật tự công cộng như sau:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
…"
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý về hình sự về các tội Vu khống, Làm nhục người khác hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Khi phát hiện hành vi pháp luật, người bị hại và bất cứ ai cần thu thập chứng cứ và làm đơn tố giác đến cơ quan Công an để kịp thời có biện pháp xử lý, nhằm góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường mạng xã hội.
Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định vềTội vu khống như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
…".
Như vậy, tội vu khống được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật... Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó.
Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội.
Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo Bộ luật Dân sự quy định, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, tùy từng mức độ hành vi có thể bị xử lý theo các quy định nêu trên. Nếu tiếp tục có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, người bị xúc phạm danh dự nhân phẩm có thể liên hệ với cơ quan công an đề nghị giải quyết.