Một con h ổ được nuôi nhốt tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh (ảnh chụp năm 2009), nơi vừa xảy ra vụ h ổ cắn đứt đôi tay người đàn ông. (Ảnh tư liệu: Đức Tuyên)
Vụ người đàn ông bị hổ cắn đứt rời hai tay là vụ thứ ba liên tiếp hổ tấn công người tại các cơ sở nuôi nhốt tại Bình Dương.
Tới trưa 5/6, Công an thị xã Thuận An vẫn phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh và lực lượng chức năng tiếp tục làm rõ vụ hổ cắn đứt hai tay người đàn ông trong khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, phường Vĩnh Phú.
Danh tính nạn nhân được xác định là Võ Thành Qưới (49 tuổi, quê An Giang). Ông Quới từng là nhân viên của khu du lịch, nay đã nghỉ việc.
Theo UBND phường Vĩnh Phú, qua nắm thông tin ban đầu, khi xảy ra vụ việc chiều 4-6, người đàn ông có thể đã vào trêu đùa hổ khi đang say rượu nên bị hổ cắn.
Hiện nạn nhân bị thương rất nặng, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng cánh tay phải bị đứt lìa tới vai, còn tay trái cũng bị đứt lìa từ khuỷu tay xuống.
Khu du lịch Thanh Cảnh, nơi người đàn ông bị hổ cắn đứt hai tay, đóng cửa im lìm trưa 5/6. (Video: Bá Sơn)
Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh nằm kế bờ sông Sài Gòn, lối vào là một hẻm nhỏ giữa khu dân cư.
Được biết, các con hổ được nuôi nhốt tại đây vẫn còn giấy phép của kiểm lâm. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ hổ tấn công người gần đây làm dấy lên lo ngại về việc có nên tiếp tục cho tồn tại các cơ sở nuôi nhốt hổ trong khu dân cư hay không.
Tháng 9-2016, một người dưỡng thú tại một cơ sở nuôi nhốt hổ thuộc phường Bình An, thị xã Dĩ An bị hổ cắn chết khi vào chuồng chăm sóc hổ. Trước đó, tại một khu du lịch thuộc TP Thủ Dầu Một cũng xảy ra vụ hổ xổng chuồng tấn công người.
Người đàn ông bị thương nặng khi cả hai tay bị hổ cắn đứt lìa. (Ảnh: CTV Tuổi Trẻ)
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, chủ cơ sở nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch Thanh Cảnh từng bị xử phạt tù do vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Vào năm 2011, Tòa án Nhân dân thị xã Thuận An đã tuyên phạt Huỳnh Văn Hai (con trai chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh) 36 tháng tù giam và Huỳnh Tấn Đạt (con ông Huỳnh Văn Hai) 30 tháng tù giam.
Theo HĐXX, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Phùng đứng tên, nhưng thực chất hoạt động do con trai Huỳnh Văn Hai chỉ đạo điều hành.
Lúc đầu, chủ cơ sở này mua 2 con hổ gửi nuôi tại Khu du lịch Suối Tiên (TP HCM), nhưng tới năm 2003 mua thêm hổ nguồn gốc không hợp pháp về nuôi nhốt tại Thanh Cảnh.
Khi thấy hổ bị chết, thay vì phải báo đơn vị kiểm lâm, họ lần lượt bán hổ để lấy cao với giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi con.
Trong sáng 5/6, Tuổi Trẻ Online đã liên lạc nhiều lần với đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương để hỏi hướng xử lý vụ việc nhưng đại diện đơn vị này không trả lời.