Nghỉ việc đi nước ngoài có được lĩnh trợ cấp thất nghiệp?

Người lao động khi có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được hưởng trợ cấp thấp nghiệp.

Hỏi đáp pháp luật: Chào ban tư vấn.

Xin giải đáp về việc xuất cảnh có được lĩnh trợ cấp thất nghiệp một lần được không khi nộp đủ hồ sơ như yêu cầu?

Cám ơn nhiều!

Quyen B Pham

Nghỉ việc đi nước ngoài có được lĩnh trợ cấp thất nghiệp? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Công Thương).

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Đó là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoại trừ người lao động đang hưởng lương hưu, người lao động giúp việc gia đình thì không phải tham gia.

Điều 42 Luật Việc làm 2013 đặt ra 4 chế độ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đó là trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động đóng 1% tiền lương tháng và người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.

Điều kiện hỗ trợ học nghề: Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (áp dụng cho người sử dụng lao động): Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.

Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Điều 49 của Luật Việc làm 2013 quy định cụ thể về điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các trường hợp sau, người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

Thứ nhất, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. Mà theo quy định tại Điều 41 Bộ Luật lao động năm 2012 về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật : "Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này".

Như vậy khi người lao động chấm dứt hợp đồng không đúng theo quy định của điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 thì không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Với người lao động đang hưởng lương hưu hoặc đang được trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Những người lao động tuy đủ mọi điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại rơi vào trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an thì không nằm trong trường hợp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ tư, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Người lao động khi có đủ các điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội nhưng thuộc trường hợp này thì không thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày người lao động xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Như vậy, khi bạn nghỉ việc bạn vẫn có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian ba tháng kể từ ngày nghỉ việc.

Tuy nhiên, ngày mà bạn ra nước ngoài sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian chưa được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì không được bảo lưu do căn cứ tại Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm 2013.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH xác định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Mức hưởng hàng tháng 

 = 

 Mức lương bình quân của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp 

 x 

 60%

Lưu ý, trường hợp người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp thì mức bình quân được tính trên tiền lương của 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi chấm dứt hợp đồng lao động;

Mức hưởng hàng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng, đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.