Cách chức Hiệu trưởng và Hiệu phó
Theo diễn biến của sự việc, ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2 bị tai nạn gãy xương đùi ngay trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên (TP Hà Nội).
Theo báo cáo từ phía nhà trường, học sinh này bị gãy chân do tự ngã khi va vào ô tô đang đỗ trong sân trường. Nhưng bác sỹ điều trị cho Kiên lại nhận định, phải có lực tác động rất mạnh mới có thể bị tổn thương nghiêm trọng đến vậy.
Sau khi cháu Kiên ổn định tinh thần, gia đình đã hỏi và biết được thông tin trái ngược hoàn toàn.
Qua lời kể của con và những người bạn học cùng lớp với Kiên, gia đình anh Trần Chí Dũng nghi ngờ rằng con anh bị gãy chân không phải do tự ngã. Ngay sau khi phía gia đình có đơn từ yêu cầu làm rõ vụ việc, cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cũng đã không ít lần “trần tình” với báo chí và với các cơ quan chức năng, chứng minh sự vô can trong sự việc lần này.
Những phát ngôn trước sau có phần bất nhất của vị hiệu trưởng này khiến không chỉ phụ huynh cháu Kiên, giáo viên trong trường mà ngay cả dư luận, những người không trực tiếp liên quan cũng phải bức xúc.
Ngày 17/2/2017, một số giáo viên của trường đã lên tiếng cho biết bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, đã nói sai sự thật về sự việc trên.
Sau đó cơ quan công an vào cuộc điều tra, tính đến thời điểm hiện tại, UBND quận Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã chính thức công bố quyết định kỷ luật, hình thức cách chức hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó Nguyễn Thị Hương tại trường Tiểu học Nam Trung Yên với sự chứng kiến của 70 cán bộ giáo viên nhà trường.
Hiệu trưởng và Hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên đã bị cách chức. |
Xác định tài xế taxi gây tai nạn
Trong vụ việc này, cơ quan công an xác định người gây tai nạn cho cháu Kiên là ông Trần Quốc Tuấn (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là tài xế taxi, đồng thời đã triệu tập ông Tuấn lên cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Do ông Tuấn không được tiếp xúc với người ngoài theo yêu cầu của cơ quan chức năng, vụ việc tai nạn của cháu Kiên được kể lại qua lời của bà Mạnh Thị Hoa, vợ của ông Tuấn.
Theo lời bà Hoa, ngày 1/12/2016, chồng bà chở hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên và một cô giáo từ bệnh viện Việt Đức về trường.
Khi về tới trường, một trong hai cô ngồi trên xe gọi cho bảo vệ mở cổng để ô tô đi vào. Lúc xe đi vào đến sân trường thì đụng phải một học sinh, chính là cháu Kiên, con trai anh Dũng.
Thấy vậy, ông Tuấn xuống xe mở cửa cho cô giáo và cô này tới đỡ học sinh bị ngã còn cô hiệu trưởng thì đi thẳng vào trong. Sau đó, một cô giáo nói với ông Tuấn là không có việc gì cứ lái xe đi nên ông Tuấn đã lái xe đi.
Cũng theo lời bà Hoa khi về nhà, ông Tuấn không thấy nhà trường gọi điện lại vì trong lúc chở cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô giáo đi cùng, ông có đưa card của hãng xe và trên đó có số điện thoại của ông. Chính vì vậy, bản thân chồng bà không hề biết sự việc xảy ra sau đó với cháu Trần Chí Kiên.
Đến chiều 12/2/2017, Công an Thành phố Hà Nội đã cùng ông Tuấn và lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Trung Yên dựng lại hiện trường.
Trao đổi với PV, anh Dũng cho biết bà Mạnh Thị Hoa, đại diện gia đình ông Tuấn đã liên hệ với gia đình để đến thăm hỏi cháu Kiên và xin lỗi về việc đã gây ra tai nạn cho cháu.
Tài xế taxi có thể bị xử lý về lỗi gì?
Như vậy, hai cô giáo đã bị xử lý về hành vi gian dối. Nhưng người gây ra tai nạn là tài xế lái taxi, vậy trách nhiệm của tài xế đến đâu? Để trả lời câu hỏi này PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn Phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Thanh cho biết, nếu quá trình điều tra sau này chứng minh rằng thương tích của cháu Trần Chí Kiên là do chiếc ô tô taxi gây ra, thì người lái xe có thể bị xử lý về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác hoặc hành vi vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người.
Còn về chế tài xử lý là hành chính hay hình sự đối với tài xế taxi thì tùy thuộc vào tỉ lệ thương tích của cháu Kiên do cơ quan giám định xác nhận.
Cũng phải giải thích thêm rằng mặc dù người lái xe taxi đang điều khiển ô tô, tuy nhiên do di chuyển trong khu vực trường học nên sẽ không bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà sẽ bị xử lý về các hành vi như đã nêu trên.
Khách quan mà nói, người lái xe taxi đã có ý thức khắc phục hậu quả khi chủ động cung cấp số điện thoại của mình khi sự việc xảy ra để mọi người có thể liên lạc khi cần thiết. Đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho người lái xe khi bị pháp luật xử lý. Thậm chí theo quan điểm của luật sư, cơ quan chức năng cũng nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người lái xe trong trường hợp việc làm của người này đủ yếu tố cấu thành tội danh hình sự.
Trong vụ việc này, người đáng trách nhất không phải là người lái xe mà chính là các cô giáo. Giá như cách xử sự của các cô đàng hoàng hơn, trách nhiệm hơn thì mọi việc đã được giải quyết một cách nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, với việc hành xử thiếu chuẩn mực đạo đức của mình, các cô đã và đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, khiến cho người lái xe cũng bị "vạ lây".