Vụ nữ sinh đốt trường: Người 'bắt ép thực hiện' có thể bị xử lý hình sự

Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Vụ việc Ngọc T. (13 tuổi) - nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa - mang túi xăng, châm lửa đốt phòng y tế của một trường THCS vào trưa 9/10 hiện trở thành tâm điểm chú ý trên mạng.

Theo đó, có thông tin nữ sinh này bị ép thực hiện lời hứa "nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường". Có người tự đi mua xăng về rồi đưa cho nữ sinh, ép vào trường đốt, rồi đe dọa nếu không đốt sẽ bị đánh.

Cho tôi xin hỏi, hành vi đốt trường của nữ sinh bị xử lý thế nào? Trong trường hợp này người mua xăng và ép nữ sinh đốt trường có bị xử lý hình sự không? Hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp bị xử lý ra sao?

Độc giả: An Bình

Ảnh cắt từ clip

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Bộ luật Hình sự quy định công dân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định.

Do nữ sinh (13 tuổi) chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan tố tụng có thể xem xét, cân nhắc áp dụng các biện pháp tư pháp phù hợp... nhằm mục đích chính là giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ nữ sinh.

Theo quy định, có 2 biện pháp tư pháp được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội:

Một là, Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đây là biện pháp tư pháp có tình giáo dục và phòng ngừa, được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng trong thời hạn từ một năm đến hai năm.

Hai là, Đưa vào trường giáo dưỡng. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy cần phải có kỷ luật chặt chẽ và cần phải cách ly họ ra khỏi môi trường xã hội để giáo dục và cải tạo họ thành công dân có ích cho xã hội. Khi quyết định biện pháp tư pháp này, tòa án cần xem xét tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và môi trường sống của người đó. Thời hạn của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ một năm đến hai năm.

Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước thành lập để giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội hoặc có những vi phạm pháp luật khác. Biện pháp này được áp dụng khi thấy cần thiết phải cách li người chưa thành niên phạm tội ra khỏi môi trường xã hội mà họ đang sinh sống để giáo dục, cải tạo.

Tuy biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bắt buộc người chưa thành niên phạm tội phải chịu sự quản lý chặt chẽ và phải cách li ra khỏi xã hội nhưng họ được học tập văn hóa và nghề nghiệp. Tại đây, họ rèn luyện và cải tạo lỗi sống trước đây của mình để trờ thành công dân có ý thức pháp luật đầy đủ trong tương lai. Khi đã chấp hành được một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của nhà trường, tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng.

Đối với người có hành vi mua xăng, ép nữ sinh đốt trường

Theo điều 252 Bộ luật Hình sự quy định, người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: Có tổ chức; Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; Đối với trẻ em dưới 13 tuổi; Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Như vậy, đối với những người đủ tuổi chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự, tham gia mua xăng, thúc đẩy hành vi đốt trường của nữ sinh cần được cơ quan tố tụng xem xét mức độ, tính chất là xúi giục, ép buộc người khác phạm tội, thậm chí đóng vai trò chủ mưu hay chỉ đơn thuần giúp sức, đồng phạm tích cực, từ đó mới đưa ra được hình phạt thích đáng cho từng đối tượng cụ thể.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.