Vụ thâu tóm chấn động ngành công nghệ toàn cầu có thể gặp cản trở từ Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc trong việc kiểm soát những công nghệ quan trọng có thể cản trở thương vụ tập đoàn viễn thông SoftBank bán công ty thiết kế chip với giá 40 tỉ USD.

Nvidia, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã đạt thỏa thuận mua ARM, công ty thiết kế chip của SoftBank, với giá 40 tỉ USD. Thương vụ có giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ chỉ có thể diễn ra với sự phê chuẩn của Anh, Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Bắc Kinh có vai trò lớn trong thương vụ vì ARM có một công ty liên doanh ở đại lục, với cái tên ARM Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định có thể Trung Quốc sẽ không muốn một doanh nghiệp Mỹ sở hữu một công ty thiết kế chip có vai trò quan trọng ở tầm chiến lược trong ngành bán dẫn, theo CNN.

Một bài xã luận mà Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của chính phủ Trung Quốc, đăng mấy ngày trước nhận định rằng thương vụ Nvidia mua ARM là tin xấu đối với những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc và châu Âu vốn đang phụ thuộc vào những thiết kế chip tiên tiến của ARM.

Vụ thâu tóm chấn động ngành công nghệ toàn cầu có thể gặp lực cản từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Jensen Huang, giám đốc điều hành tập đoàn Nvidia. (Ảnh: Cnet).

"Nếu ARM rơi vào tay người Mỹ, đương nhiên các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sẽ đối mặt với thế bất lợi trên thị trường", bài xã luận khẳng định.

Giới chức Trung Quốc chưa công bố quan điểm của họ về thương vụ, song các tờ báo của chính phủ luôn thể hiện lập trường của các nhà lãnh đạo cấp cao.

Ảnh hưởng của Trung Quốc khá rõ ràng. Một thượng vụ có trị giá tương đương thương vụ mua ARM từng đổ bể vì Bắc Kinh phản đối. Năm 2018, chính phủ Trung Quốc không chấp thuận việc tập đoàn bán dẫn Qualcomm thâu tóm tập đoàn NXP (Hà Lan) với giá 44 tỉ USD.

Atif Malik và Amanda Scarnati, hai nhà phân tích của ngân hàng Citi, nhận định rằng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu về thương mại, khả năng Bắc Kinh đồng ý để Nvidia mua ARM khá thấp.

Nvidia và ARM thông báo họ kì vọng quá trình thực hiện thương vụ sẽ diễn ra trong 18 tháng. 

"Khoảng thời gian như thế cho thấy hai doanh nghiệp đều lường trước khả năng Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ xem xét thương vụ trong thời gian dài", hai nhà phân tích lập luận.

Ngành bán dẫn liên quan tới hầu như mọi sản phẩm công nghệ - từ điện thoại di dộng tới xe tự lái. Hàng loạt vụ thâu tóm, sáp nhập trong ngành đã diễn ra trong thời gian qua do hoạt động thiết kế và sản xuất chip tiên tiến cần những khoản tiền rất lớn để phục vụ nghiên cứu, phát triển.

Với trụ sở ở thành phố Cambridge, ARM là một trong những doanh nghiệp công nghệ thành công nhất ở Anh. Họ thiết kế chip cho Samsung, Apple và nhiều hãng điện thoại lớn khác. Nhiều doanh nghiệp thiết kế linh kiện bán dẫn hàng đầu ở Trung Quốc sử dụng bằng sáng chế của ARM để thiết kế chip của họ.

"Quả thực ARM thực sự hữu ích với Trung Quốc vì các qui định xuất khẩu của Anh khá thoáng", James Lewis, phó chủ tịch kiêm giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc (CSIS), bình luận.

Cả Nvidia và ARM đều nỗ lực trấn an thế giới rằng họ sẽ tiếp tục vị thế trung lập. Nhưng, theo Lewis, nếu ARM trở thành công ty con của một doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ phải tuân thủ luật pháp Mỹ. Trong khi đó, Washington đang tăng dần mức độ kiểm soát xuất khẩu để ngăn giới doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận những công nghệ chủ chốt.

Paul Triolo, một giám đốc công nghệ của tập đoàn Eurasia Group, nhận định rất có thể Trung Quốc sẽ ràng buộc một số điều kiện đối với thương vụ để duy trì khả năng tiếp cận các bằng sáng chế của ARM trong tương lai.

"Vì ARM có một liên doanh ở Trung Quốc và liên doanh này đang tự phát triển năng lực thiết kế linh kiện bán dẫn, có lẽ giới chức Trung Quốc sẽ yêu cầu liên doanh tách ra khỏi ARM để bảo đảm nó sẽ không phải tuân thủ các qui định của Mỹ", Paul nhận định.

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.