Vụ thầy giáo bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai: 'Quan hệ' với người 13 tuổi có thể bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 142 BLHS thì mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi (kể cả trong trường hợp nạn nhân hoàn toàn tự nguyện).

Theo báo Giao thông, ngày 22/4, ông Hồ Cao Khải, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cho biết, UBND huyện đã nhận được thông tin về việc gia đình em N. (13 tuổi, trú tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, học sinh lớp 8) tố cáo thầy giáo tại trường nhiều lần dụ dỗ, quan hệ tình dục khiến em N. có thai.

Đồng thời cho biết, lãnh đạo huyện đang tổ chức cuộc họp khẩn ngay trong đêm để khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền phối hợp xác minh làm rõ thông tin trên.

Vụ thầy giáo bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai: Quan hệ với người 13 tuổi có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Kết quả siêu âm được cho là của nữ sinh N. (Ảnh: VietNamNet).

Quan hệ với người 13 tuổi có phạm tội không?

Trong vụ nghi án thầy giáo bị tố quan hệ khiến nữ sinh lớp 8 mang thai nhưng không rõ là đến nữ sinh này mới 13 tuổi hay đã đủ 13 tuổi nên theo qui định của pháp luật sẽ chia ra 2 trường hợp để có thể đối chiếu vào tình huống.

Mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hiếp dâm

Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi - Điều 112 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

" Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

...."

Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 142 BLHS thì mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi (kể cả trong trường hợp nạn nhân hoàn toàn tự nguyện).

Do đó, nếu người đàn ông này có hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, mức phạt tù là từ 7 năm đến 15 năm.

Trong trường hợp này, nữ sinh đã có thai nên người phạm tội có thể bị xử lý theo điểm b Khoản 2 Điều 142 là "Làm nạn nhân có thai". Mức phạt của khoản này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Trường hợp nữ sinh đó từ đủ 13 tuổi

Nếu người đàn ông dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác nữ sinh thì phạm vào "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi" như quy định ở trên với định khung là làm nạn nhân có thai.

Với trường hợp nữ sinh này tự nguyện. Theo quy định tại điều 145 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi như sau: "Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm".

Nhưng nữ sinh này đã có thai nên theo điểm d, khoản 2, điều 145, hành vi này sẽ bị truy cứu theo khung hình phạt là từ ba năm đến mười năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

TAND tối cao chỉ đạo xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 68/TANDTC-PC gửi Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử các tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

Theo Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao:

Trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới được Quốc hội thông qua (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan) và các văn bản hướng dẫn thi hành của Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành trung ương.

Công văn nêu rõ: "Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc".

Ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án cần thụ lý, các cấp Tòa án giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trong quá trình xét xử, cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc "bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi."

Các cấp Tòa chủ động phối họp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến của vụ án, từ đó lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử, bảo đảm kịp thời và đúng thời hạn luật định.

Các cấp Tòa báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em để Tòa án nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành trung ương hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc nội dung trên trong cơ quan, đơn vị mình.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.