Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển vắc xin chống Covid-19. Tới nay đã có hơn 140 "ứng cử viên" vắc xin hiện đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến ngày 4/8, có 139 vắc xin ở giai đoạn tiền lâm sàng, 25 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm I; 17 vắc xin giai đoạn II; và 7 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Chưa có vắc xin Covid-19 nào được chấp thuận.
Các loại vắc xin thông thường cần nhiều năm thử nghiệm và cần thêm một khoảng thời gian để sản xuất trên qui mô lớn, nhưng các nhà khoa học đang hi vọng sẽ làm được điều này trong vòng 12 đến 18 tháng.
Vắc xin là chế phẩm có cấu trúc kháng nguyên giống hoặc gần giống virus gây bệnh và kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể. Vắc xin phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao hơn các loại thuốc khác vì được cung cấp cho hàng triệu người khỏe mạnh.
Vắc xin được thử nghiệm như thế nào?
Trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu tiêm vắc xin cho động vật để xem liệu vắc xin có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.
Tiếp theo, trong giai đoạn I của thử nghiệm lâm sàng, vắc xin được tiêm cho một nhóm nhỏ người để xác định liệu vắc xin có an toàn, và để tìm hiểu thêm về phản ứng miễn dịch mà vắc xin gây ra.
Trong giai đoạn II, vắc xin được tiêm cho hàng trăm người để các nhà khoa học có thể tìm hiểu kĩ hơn về độ an toàn và liều lượng chính xác.
Tới giai đoạn III, vắc xin được tiêm cho hàng nghìn người để xác nhận tính an toàn, bao gồm các tác dụng phụ hiếm gặp, và hiệu quả. Những thử nghiệm này liên quan đến một nhóm đối chứng được sử dụng giả dược.
Những người tham gia các thử nghiệm ở giai đoan II và III sẽ ngẫu nhiên nhận được một liều vắc xin thấp, liều cao hoặc giả dược và các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi tiến trình của cả ba nhóm.
Một số vắc xin trên thế giới đang dẫn đầu cuộc đua:
Vắc xin của Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca (Anh) phối hợp với Đại học Oxford
Vắc xin của Đại học Oxford sử dụng một loại virus gây bệnh trên loài tinh tinh (đã bị thay đổi về mặt di truyền để giảm độc lực), được gọi là vắc xin vector. Vector chứa mã di truyền của các protein gai (protein spikes) được tìm thấy trên virus corona và tạo ra được phản ứng miễn dịch mạnh trong cơ thể người.
Vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm kết hợp II/III ở Anh và gần đây đã đi vào thử nghiệm giai đoạn 3 ở Nam Phi và Brazil.
Phương pháp phát triển vắc xin quen thuộc là đưa vào cơ thể virus ở dạng đã bị bất hoạt hoặc làm yếu đi, từ đó kích hoạt cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch và tạo kháng thể chống lại những protein cụ thể của loại virus đó.
Vắc xin của Moderna
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang phát triển một loại vắc xin sử dụng RNA thông tin (hay gọi tắt là mRNA) để đánh lừa cơ thể sản xuất các protein của virus. Chưa có loại vắc xin mRNA nào được cấp phép sử dụng trên người. Tuy nhiên, những người ủng hộ vắc xin này nói rằng nó có thể dễ sản xuất hàng loạt hơn so với vắc xin truyền thống.
Qui trình bào chế vắc xin mRNA nhanh hơn nhiều so với những phương pháp bào chế vắc xin truyền thống vì nó bỏ qua được các bước khó nhọc như bất hoạt virus hay phân lập các protein.
Vắc xin của công ty Sinovac
Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac đang phát triển một loại vắc xin dựa trên các hạt virus Sars-CoV-2 bất hoạt. Vắc xin này đã cho thấy những số liệu kết quả an toàn đầy hứa hẹn trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu và hiện đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm III ở Brazil.
Vắc xin của Đại học Melbourne và Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch
Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở Úc đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 sử dụng vắc xin phòng bệnh lao gần 100 năm tuổi. Vắc xin này không được cho là bảo vệ trực tiếp chống lại Covid-19 nhưng có thể làm tăng phản ứng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể.
Ba loại vắc xin còn lại cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối gồm vắc xin của Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán kết hợp với Tập đoàn Dược Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm); Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh kết hợp với Sinopharm và; Tập đoàn dược BioNtech của Đức kết hợp với Công ty Fosun Pharma của Trung Quốc và Hãng dược Mỹ Pfizer.