Xâm hại tình dục trẻ em: Vì sao không nên 'gài bẫy' để điều tra?

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, đối tượng bị xâm hại tình dục là con người, mà con người không thể trở thành một "con mồi" để gài bẫy tội phạm được.

LTS: Thời gian qua, các vụ án dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em và nhiều sự việc có dấu hiệu nghi vấn quanh tình trạng này đã diễn ra ở rất nhiều tỉnh thành, từ Hà Nội, TP HCM, đến Hà Nam, Vũng Tàu, và mới đây nhất là Hà Tĩnh khi một thiếu niên 15 tuổi bị tố giác xâm hại bé gái 6 tuổi.

Các vụ việc liên tục khiến dư luận phẫn nộ, lên án và đặt ra một vấn đề hết sức bức thiết là trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ xâm hại về thân thể, tình dục. Dư luận xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ, Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã vào cuộc, nhưng “cuộc chiến” chống tội phạm xâm hại trẻ em vẫn đầy thách thức vì nhiều lý do khác nhau.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả những ý kiến của Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu về vấn đề này.

Cần giải thích rõ ràng thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật

- Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em liên tục được phát giác, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng dường như còn chậm trễ, khó khăn. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

LS Lê Văn Thiệp: Thời gian vừa qua, những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó hành vi có dấu hiệu phạm tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 116 Bộ luật Hình sự đã được báo chí phản ánh và dư luận rất quan tâm.

Tội phạm này là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Bản thân tôi là người làm cha nên cũng rất lo lắng cho sự an toàn của con mình.

Nếu cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý được tội phạm, đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa chung là mong muốn của cả xã hội.

xam hai tinh duc tre em vi sao khong nen gai bay de dieu tra
Luật sư Lê Văn Thiệp.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng có phần chậm trễ trong việc xử lý loại tội phạm này. Tôi cho rằng, có nhiều lý do dẫn tới sự chậm trễ này, trong đó, có thể cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.

Loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết, nạn nhân càng nhỏ tuổi thì việc thu thập chứng cứ lại càng khó khăn hơn. Với những trường hợp này, để thu thập chứng cứ, tiến tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử là cả vấn đề phức tạp.

Chính vì vậy, sự cẩn trọng của cơ quan tiến hành tố tụng là cần thiết. Chúng ta không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội. Hậu quả của việc bắt oan người vô tội, không đúng người đúng tội cũng có hệ lụy nghiêm trọng.

- Như ông nói, tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết. Vậy theo ông, làm sao để cơ quan chức năng điều tra những vụ việc này được nhanh chóng và không bỏ lọt tội phạm?

LS Lê Văn Thiệp: Việc đầu tiên là các cơ quan chức năng phải tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Bố mẹ, thầy cô giáo, những người lớn tuổi có hiểu biết phải giải thích cho con em mình biết những vấn đề như thế nào là bị xâm hại, làm thế nào để tránh bị xâm hại, khi bị xâm hại thì báo cho ai,...

Trên cơ sở cả xã hội nhận thức được đâu là hành vi xâm hại trẻ em thì ngay khi xảy ra sự việc, mọi người sẽ có trách nhiệm gửi thông tin tới các cơ quan chức năng nói chung và cơ quan điều tra các cấp nói riêng.

Nếu như có nguồn thông tin tố giác, tố cáo tội phạm nhanh, cơ quan điều tra tiếp nhận và vào cuộc tích cực thì việc thu thập chứng cứ sẽ dễ dàng hơn, việc xử lý đối tượng phạm tội vì vậy cũng sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay trong Bộ luật Hình sự chỉ có những từ ngữ cơ bản, chung chung về tội danh dâm ô đối với trẻ em. Hầu hết các tài liệu đào tạo về luật pháp hiện nay thì từ "dâm ô" cũng chưa được mổ xẻ.

Bởi vậy, tôi kiến nghị cơ quan ban hành pháp luật cần phải cụ thể hóa khái niệm, phải giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư, cũng như toàn xã hội có căn cứ để xác định hành vi, đấu tranh với loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em.

"Cơ quan điều tra không nên để 3 - 4 ngày sau mới bắt đầu vào cuộc"

- Một số quốc gia đã thực hiện việc gài bẫy để điều tra tội phạm xâm hại tình dục. Việc gài bẫy dừng lại ở mức để đối tượng thể hiện ý chí của mình và dẫn đến hành vi nhưng ngăn chặn hành vi đó kịp thời. Ông có ý kiến gì vấn đề này?

LS Lê Văn Thiệp: Nghiệp vụ điều tra của cơ quan chức năng thì mỗi nước có thể khác nhau phụ thuộc vào văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, điều kiện kinh tế xã hội...

Theo quan điểm của tôi, đối tượng bị xâm hại ở đây là con người, mà con người không thể trở thành một "con mồi" để gài bẫy tội phạm được.

Nếu sử dụng một đứa trẻ để gài bẫy tội phạm thì không phù hợp cả về luật pháp lẫn yếu tố văn hóa, đạo đức. Để chứng minh hành vi của tội phạm, cơ quan công an cần phải sáng tạo, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong phạm vi cho phép.

Với điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, có nhiều biện pháp khác mà cơ quan điều tra có thể áp dụng để thu thập chứng cứ chứ không nên áp dụng việc gài bẫy.

Nói chung, việc điều tra loại tội phạm này phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của cơ quan điều tra. Nếu cơ quan điều tra xác định được tính nghiêm trọng của loại tội phạm này, thì ngay khi nhận được tin tố giác, tố cáo tội phạm thì phải lập tức vào cuộc truy tìm chứng cứ, dấu vết.

Cơ quan điều tra không nên để 3 - 4 ngày sau mới bắt đầu vào cuộc. Bởi khi đó, việc thu thập chứng cứ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

- Một số quốc gia áp dụng hình phạt đặc thù ví dụ thiến hóa học, làm mất bản năng tình dục; hoặc sau khi thụ án cần cách ly, gắn chip vào cơ thể để theo dõi. Theo ông các chế tài này nên hay không?

LS Lê Văn Thiệp: Có một nguyên tắc trong pháp luật Việt Nam đó là sự bình đẳng. Ngoài hình phạt cao nhất là loại loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội (án tử hình) đối với người phạm tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì các loại tội phạm khác đều bình đẳng.

Tội phạm có thể bị mất về tự do thân thể và một số quyền công dân khác trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không có nghĩa là họ bị tác động về thân thể.

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa của chúng ta là dựa trên cơ sở giáo dục, rồi mới đến các biện pháp khác. Nếu một người bị quyết định tác động lên thân thể họ thì chúng ta lấy gì đảm bảo họ sẽ không bị rối loạn về tâm lý và thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội?

Giả sử, nếu chúng ta áp dụng hình phạt thiến hóa học với loại tội phạm xâm hại tình dục thì với các loại tội phạm khác cũng xâm phạm đến con người như giết người, cố ý gây thương tích... thì chúng ta xử lý như thế nào? Không lẽ, một đối tượng giết người bằng tay thì chúng ta dùng dao chặt tay tội phạm hay sao?

Pháp luật của chúng ta là nhằm mục đích cải tạo người phạm tội, giúp họ hoàn lương thành người có ích. Nếu chúng ta lại khiến họ mất đi những chức năng sinh học tối thiểu của con người thì không những trái luật pháp quốc tế mà còn trái với các nguyên tắc bình đẳng.

Hơn nữa, tôi cho rằng, người đề xuất vấn đề này cũng không có số liệu thống kê chính xác để chứng minh xem loại tội phạm này có phổ biến hay không; bản thân loại tội phạm này có tỉ lệ tái phạm như thế nào? Chúng ta không thể võ đoán, tiên lượng để kiến nghị đưa ra những hình thức xử lý như vậy.

Về ý kiến theo dõi người phạm tội sau khi chấp hành án phạt, tôi cho rằng chúng ta có thể giám sát nhưng dưới hình thức khác. Bởi vì tỉ lệ người phạm tội này không phổ biến, không phải mỗi phường, mỗi quận có hàng trăm, hàng nghìn người phạm tội này mà chúng ta phải giám sát bằng biện pháp kỹ thuật.

- Xin cảm ơn ông!

Điều 116, Bộ luật Hình sự năm 1999: Tội dâm ô đối với trẻ em

1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều trẻ em; c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.