Từ cuối năm 2016, Sở GTVT TP.HCM đã phê duyệt 13 dự án giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay đã có hai dự án cơ bản hoàn thành, ba dự án còn dang dở và tám dự án khác chưa thể khởi công. Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được các nhà đầu tư đề xuất như làm đường trên cao...
Giải cứu kẹt xe từ đường trên cao
Đây là giải pháp do liên danh nhà đầu tư gồm Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại, Sản xuất, Xây dựng Đông Mêkông và Công ty CP Hạ tầng Đông Á đề xuất với Sở GTVT TP.HCM.
Theo đó, dự án sẽ làm đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), giúp tháo gỡ ùn tắc giao thông khu vực này. Cụ thể, hệ thống đường trên cao của dự án dài hơn 5.000 m và rộng 7,5-12,5 m tùy theo đoạn.
Trong đó, cầu chính dài 2.665 m, từ đường Trường Sơn và các nhánh cầu đường Phan Thúc Duyện, xuyên qua Công viên Hoàng Văn Thụ và tiếp đất tại đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Thăng Long...
Dự án đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có hai nhánh của đường trên cao xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ. Ảnh: HT |
Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.
Công ty CP Hạ tầng Đông Á cho biết theo thống kê, có khoảng trên 70% lượng phương tiện từ sân bay đi về trung tâm TP. Nếu dự án này được triển khai sẽ góp phần giải quyết ùn tắc tại khu vực. Về lâu dài có thể kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 của TP…
Có thể khả thi
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho rằng đề xuất làm đường trên cao (cầu cạn) có tính khả thi về mặt giải quyết ùn tắc giao thông, công tác giải phóng mặt bằng. Hiện tại, dù có cầu vượt thép ở nút giao Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà nhưng lượng xe đổ ra từ ga quốc tế và quốc nội cũng rất lớn. Điều này cũng gây xung đột trực tiếp với các dòng xe khác ở ngay bên dưới chân cầu vượt thép, nút giao Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn, vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót...
Theo TS Vũ Anh Tuấn, nếu làm đoạn đường trên cao sẽ giúp giảm được lưu lượng ô tô từ sân bay đi ra đường Trường Sơn, giảm xung đột tại nút Trường Sơn - đường ra sân bay, làm giảm kẹt xe tại các vị trí này... “Có thể nhận thấy ngay rằng công trình này sẽ lập tức giúp giảm kẹt xe, trước mắt là trong năm năm tới” - TS Vũ Anh Tuấn cho hay.
Cần thêm giải pháp trước mắt
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng đường trên cao hoặc đường hầm cho xe lưu thông đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư, xây dựng. Do đó trước mắt cũng cần tính đến các giải pháp khả thi đầu tư vốn ít, thời gian thực hiện nhanh.
GS-TS Nguyễn Lê Ninh, thành viên hội đồng tư vấn về khoa học kỹ thuật công nghệ, MTTQ TP.HCM, đề xuất hiện nay nên đầu tư tuyến xe buýt vì nó có chi phí thấp nhất nhưng đem lại hiệu quả giảm kẹt xe nhanh nhất. Khi xây tuyến xe buýt sẽ hạn chế taxi ra vào sân bay.
Còn ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, góp ý thêm hiện nay có hai hướng vào sân bay gồm: Hướng từ đường Hoàng Văn Thụ vào đường Trường Sơn và hướng từ đường Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Ông Quân đề nghị nên áp dụng cấm ô tô đi vào sân bay từ hai hướng này theo ngày chẵn, lẻ để giảm kẹt xe.
Với hướng Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn cũng áp dụng cấm xe như vậy. “Đây là biện pháp dễ thực hiện, không tốn chi phí và thời gian thực hiện nhanh nhất” - ông Quân nói.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM, cho rằng trước mắt Sở GTVT TP.HCM cần tập trung chỉ đạo các đơn vị gấp rút triển khai các dự án đã được quy hoạch vẫn đang chưa hoàn thành. Như vậy, nó cũng phần nào làm giảm ùn tắc tại khu vực.
Hoan nghênh các đóng góp Sở GTVT TP.HCM rất hoan nghênh và cảm ơn các góp ý, đề xuất giảm ùn tắc. Những đề xuất nào hồ sơ còn sơ sài chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị hoàn thiện, trình bày đề án theo đúng trình tự. Trường hợp hồ sơ có thông tin, bản vẽ thì chúng tôi sẽ ghi nhận và sau đó gửi văn bản lấy ý kiến các sở, ngành. Tuy nhiên, đến nay chưa thể nói trước về tính hiệu quả của một số đề xuất. Vẫn còn nhiều vấn đề mà các đề xuất này chưa giải quyết được. Đơn cử như nhiều đề án không phù hợp với quy hoạch, tác động cảnh quan kiến trúc đô thị và chưa đánh giá được tác động đối với hệ thống giao thông hiện hữu… Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM _________________ Khó xử lý triệt để ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất Tại cuộc họp kinh tế-xã hội TP.HCM vào sáng 28-7, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết quy hoạch được duyệt đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 25 triệu hành khách, 1 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chỉ mới sáu tháng đầu năm đã có hơn 18 triệu lượt khách qua sân bay này, ước tính đến cuối năm sẽ đạt khoảng 36 triệu. Cũng theo quy hoạch, TP.HCM phải đồng bộ đầu tư các công trình giao thông kết nối quanh sân bay Tân Sơn Nhất mới đáp ứng được sản lượng 25 triệu hành khách mỗi năm. Nhưng tiến độ đầu tư các dự án mở đường mới, cải tạo đường cũ vẫn chưa triển khai được. Riêng tuyến tàu điện ngầm đi qua sân bay phải hoàn thành vào năm 2020 nhưng dự án này hiện chỉ đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. “Để xử lý triệt để tình trạng ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất trên lý thuyết là không thể, mà chỉ có thể kéo giảm thôi. Hiện bên trong sân bay đang được sắp xếp lại, bên ngoài thì đang đẩy nhanh tiến độ. Một số dự án đang khẩn trương giải phóng mặt bằng như quận Tân Bình đang lấy mặt bằng để mở rộng nút giao Lăng Cha Cả” - Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thông tin. TÁ LÂM |
Kinh doanh 15:52 | 05/09/2019
Kinh doanh 11:30 | 03/09/2019
Tiêu dùng 11:13 | 01/09/2019
Thời sự 06:00 | 23/06/2017
Thời sự 10:20 | 21/06/2017
Thời sự 04:32 | 20/06/2017