Nhiều người lớn tự cho mình quyền đụng chạm, đùa giỡn thái quá hay khen chê xoi mói cả mẹ lẫn con. Họ không biết, hành vi đó không chỉ gây khó chịu cho người đối diện mà còn thể hiện sự thiếu văn minh của bản thân mình.
Mới đây, hot mom Âu Nguyễn Minh Thi (TP HCM) sinh năm 1989, mẹ của em bé Khoai 5 tháng tuổi đã chia sẻ những hành vi vô duyên đến thiếu ý thức của nhiều người lớn khi tiếp xúc với trẻ nhỏ. Câu chuyện ngay lập tức gây sốt bởi đã đánh trúng suy nghĩ của rất nhiều mẹ có con nhỏ khác.
Chị Âu Nguyễn Minh Thi (TP HCM) chia sẻ về những hành vi vô duyên đến thiếu ý thức của nhiều người lớn khi tiếp xúc với trẻ nhỏ. |
1. Đừng "tự nhiên" sờ vào em bé
Tiếp xúc với em bé, tốt nhất là ngồi xa xa nhìn. Ho hắng, sổ mũi, vừa cảm cúm xong hay trong nhà có người đang cảm sốt, tốt nhất đừng tiếp xúc gần với trẻ nhỏ. Hệ miễn dịch các em bé còn yếu, tới 6 tháng mới được chích ngừa cúm. Thân thiết lắm hay em bé đáng yêu lắm xin cũng đừng động vào tay vào mặt ôm ấp hôn hít con.
Gặp em bé ở nhà hay đi thăm em bé, việc đầu tiên hãy “lê thân” ra bồn rửa, rửa tay đủ 30 giây đi rồi tính tiếp. Nếu muốn nắm tay, muốn ôm muốn ẵm em bé, xin hãy lịch sự hỏi ba mẹ bé 1 câu, ba mẹ đồng ý rồi mới động vào em bé, đặc biệt là với bé dưới 6 tháng tuổi. Dù là người thân thiết hay họ hàng trong nhà đều nên như vậy.
2. Đừng "chê" con
Cái quan niệm chê con chê mẹ thì con mới xinh mẹ mới đẹp ở đâu ra không biết nữa? Một lời "chê" con gây tổn thương ở người mẹ biết bao nhiêu. Chăm con bao nhiêu lo lắng bao nhiêu buồn phiền bộ chưa đủ hay sao, ai mượn người ngoài dù quen biết hay ko nói ra nói vào? Khen con khỏe, con ngoan 1 câu bộ mệt lắm?
"Nuôi sao mà con còi thế", "Con khóc nhức đầu thế", "Mắt con bị lác à" (thật ra là bị chàm sữa, nhiều trẻ con bị, từ từ sẽ hết), "Ô sao da vàng thế có bị làm sao không" (vàng da sinh lý, từ từ sẽ hết, chiếu đèn sẽ hết), "Chân cong nhỉ, mốt lớn lên chân vòng kiềng rồi con ạ" (chân cong sinh lý, lớn lên từ từ sẽ hết).
Nói như thế chẳng phải "quan tâm" đâu. Vô duyên lắm đấy! Làm mẹ nuôi con nhỏ người ta cần động viên, không cần đổ thêm áp lực lên đầu.
Xin đừng "khuyên bảo" mẹ phải làm thế này thế kia. |
3. Đừng "khuyên bảo" mẹ phải làm thế này thế kia
Câu chuyện hậu kỳ của những lời "chê" lúc nào cũng là phải làm thế này thế này thế này này". Con người ta có làm sao thì có bác sĩ khám định kỳ hàng tháng họ biết, hướng dẫn mẹ để lo cho con. Chẳng có mẹ nào muốn con mình bị thế này thế kia cả. Con có bị làm sao, chẳng cần ai nói, mẹ luôn là người đầu tiên biết vấn đề của con là gì và tìm cách khắc phục rồi. Nói chỉ thêm áp lực, thêm lo. Chẳng lợi ích gì còn thêm stress! Trừ khi mẹ em bé là người chủ động xin lời khuyên, thì nếu có kiến thức hoặc kinh nghiệm thì mở lời ra nói. Còn không thì thôi im lặng là vàng. Xin cám ơn!
4. Con gái con trai gì cũng là con, bớt bớt "cố thêm đứa nữa"
Thời đại bây giờ, sinh con và nuôi con vô vàn áp lực. Thụ thai, đẻ ra là một chuyện, nuôi nấng sao cho khỏe mạnh, rồi còn phải dạy dỗ nên người là chuyện khác. Đừng nói cho sướng miệng, bộ có bầu giùm, đẻ giùm, xong nuôi giùm luôn sao cứ bơm "thêm đứa nữa" để làm gì? Người ta nếu có mong muốn, tự xét thấy đủ điều kiện, đủ khả năng, thì sẽ sinh thêm. Không thì thôi, không phải chuyện của mình, xin đừng nói. Lỡ người được hỏi có vấn đề về sinh lý, hỏi tới gây thêm áp lực, stress, nghỉ đẻ, gia đình lục đục, chắc sướng lắm?
Đừng "tự nhiên" sờ vào em bé. |
5. Mỗi người có cách nuôi con khác nhau, mỗi gia đình có thói quen sinh hoạt, truyền thống gia đình, gien di truyền khác nhau. Đừng áp đặt.
Con người ta dài hay ngắn, múp míp bụ bẫm hay roi roi người là chuyện của người ta. Ngủ sớm hay muộn, giấc dài hay ngắn, ăn nhiều hay ít là tuỳ nhu cầu cơ thể của từng đứa. Cỡ bé bé này, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, thử mà thiếu ăn thiếu ngủ thử coi con khóc um sùm không? Con nít nhỏ xíu đâu có khả năng chịu đựng đâu. Miễn sao con vui vẻ, cười giỡn, phát triển trong hạn mức bình thường là được rồi. Nuôi con chứ phải nuôi heo đâu mà đòi nuôi cho mập? Gặp đứa khảnh ăn ít bú ít thử coi, mẹ đã stress rồi còn nói thêm áp lực chắc thích thú lắm!?
Bản năng làm mẹ của mỗi người mẹ sẽ nhận biết được con đói hay no, con cần gì muốn gì. Bớt ý kiến “khuyên nhủ”, “quan tâm” giùm.
Đặc biệt, đừng so sánh con người ta với con cháu ai cả. Hạ thấp người khác bộ hay lắm sao mà đi so sánh 1 đứa con nít?