Xóa nói tục, chửi thề chỉ là ảo tưởng

Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng việc xóa bỏ nói tục, chửi thề chỉ là ảo tưởng thuần túy.
xoa noi tuc chui the chi la ao tuong
Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhấn mạnh không được nói tục, chửi bậy nơi công cộng. Ảnh minh họa Đoàn Lê

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH&TT) đã có thông báo về việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn về dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Bộ quy tắc này có những điều không nên làm ở nơi công cộng như: Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.

Trước đó, Hà Nội từng "tuyên chiến" với nói tục chửi bậy nhưng... không thành công. Nói tục, chửi bậy vẫn là chuyện khá bình thường với nhiều tầng lớp xã hội. Vậy, việc muốn xóa bỏ nói tục chửi bậy sẽ thế nào?

Trao đổi với PV, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang xin ý kiến có mục đích chung là làm hình thành chuẩn mực văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng, tương thích với xã hội văn minh hiện đại.

Ông cho rằng: “Trong các hình thức giao tiếp của xã hội văn minh hiện đại, nói tục, chửi thề là bất lịch sự, là thiếu văn hóa. Nhưng nếu một ai đó có cái ý định loại trừ triệt để các hiện tượng này khỏi cửa miệng và trí nhớ của những người bản ngữ thuộc mọi dân tộc thì đó sẽ là một ảo tưởng thuần túy”.

xoa noi tuc chui the chi la ao tuong
Nói tục, chửi thề phổ biến ở nhiều tầng lớp trong xã hội. Ảnh minh họa Đoàn Lê

"Nghĩa là nói tục, chửi thề là hiện tượng rất trái ngược với xã hội văn minh hiện đại, nhưng lại hầu như không thể trừ bỏ hoàn toàn loại hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội con người", ông chia sẻ.

Theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, nói tục chửi bậy tương đối khó cắt nghĩa mọi ngọn nguồn sâu xa, chỉ tạm nên một số phỏng đoán. Đây có thể là hành vi nguyền rủa; chửi mắng là loại hành vi của nghi lễ sử thi cổ xưa, có chức năng ma thuật, thần chú, nhằm biểu thị cái ý chí khu trừ sức tác động của những thế lực nhất định, hữu hình hay siêu hình. Nói tục tức là nói những từ (từ bản địa, từ "nôm") chỉ các bộ phận ở phần dưới thân thể người ta − cơ quan sinh dục và các bộ phận gắn với các hành vi xác thịt - vật chất như ăn uống, bài tiết, giao hợp...

Nói tục, thề tục, nói ngoa… là những biểu hiện của việc muốn vi phạm các phép tắc nói năng chính thống. Hiệu quả của việc sử dụng bảng từ vựng "tục tĩu" là suồng sã hóa cả đối tượng được nói tới lẫn người tiếp chuyện, tạo ra không khí giao tiếp sỗ sã xuề xòa, kéo kẻ (hoặc điều) được nói tới thấp xuống và xích lại gần mình, ngang hàng với mình.

"Những loại hình ngôn ngữ như chửi thề, nói tục là loại hình đã có từ xa xưa và nó gắn với các hình thức giao tiếp công cộng, không phải các hình thức giao tiếp quan phương trang nghiêm mà là các hình thức lễ hội dân gian, trong đám hội, giữa đường", ông Lại Nguyên Ân nhận định.

Tóm lại, chửi thề, nói tục là những hành vi ngôn ngữ có nguồn từ xa xưa và hầu như không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống con người. Mặt khác, hành vi chửi thề, nói tục lại rất trái ngược với những yêu cầu của các không gian giao tiếp công cộng hiện đại, vốn đòi hỏi sự tôn trọng người giao lưu với mình và những người khác cùng có mặt trong không gian chung.

xoa noi tuc chui the chi la ao tuong
Không thể xóa bỏ hoàn toàn tận gốc tật nói tục chửi thề. Song có thể đẩy lùi, thu hẹp nó lại, hạn chế đến mức tối đa tại một số không gian. Ảnh minh họa Đoàn Lê

Vị này cũng cho rằng không thể xóa bỏ hoàn toàn tận gốc tật nói tục chửi thề. Song có thể đẩy lùi, thu hẹp nó lại, hạn chế đến mức tối đa tại một số không gian, trước hết là những nơi công cộng bằng hai cách: khuyến nghị và xử phạt.

"Đề ra quy tắc tức là vừa khuyến nghị, lại vừa tiến tới xử phạt. Chỉ có thể đưa ra khuyến nghị trên cơ sở những dự thảo quy chế thật rõ rệt, thật xác định; từ đó các nội dung này mới có thể được phổ cập, truyền bá vào cộng đồng. Nhưng nếu chỉ khuyến dụ, khuyên lơn rồi bỏ mặc trong thời gian dài thì tình hình có thể chẳng những không chuyển biến gì, mà có thể mức tệ hại còn gia tăng.

Bởi vậy, cùng với khuyến nghị còn cần các biện pháp xử phạt. Chỉ sự đồng bộ hai loại biện pháp ấy mới có thể hạn chế hiện tượng chửi thề, nói tục tại các không gian giao tiếp công cộng" ông Ân nêu quan điểm.

Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng vấn đề cốt lõi không phải là đưa ra quy tắc và bắt người dân làm theo, không theo thì phạt. Quan trọng nhất là phải giáo dục lòng tự trọng con người, khi người ta có lòng tự trọng thì sẽ tự ý thức được việc ra đường rác vứt vào đâu, ăn nói thế nào, quần áo ra cho phù hợp. Khi lòng tự trọng không có thì bêu tên cũng không còn ý nghĩa. Chúng ta nên giáo dục từ trong trường học, cho học sinh nói chung biết được một người trong xã hội văn minh cần ứng xử thế nào.
chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.