Trước đó, tháng 7, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 42,36 triệu USD, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm nay, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm ngay từ đầu năm do ảnh hưởng bởi sự ngưng trệ giao thương vì dịch Covid-19.
Ngoài ra, sản phẩm cá thịt trắng nội địa của nước này cũng đang bị dư thừa do hoạt động xuất khẩu thủy sản giảm. Do đó, trong năm nay, dự báo tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tạm thời chưa thể tăng trưởng dương so với năm ngoái.
Mặc dù bước qua quí 2, hoạt động sản xuất của các nhà máy thủy sản Trung Quốc quay trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng bắt đầu bình thường khi Bắc Kinh không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào trong 56 ngày liên tục.
Đáng chú ý, tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 47,9 triệu USD, tăng khả quan 20,1% so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, sang tháng 5-6, xuất khẩu cá tra lại chậm lại và có dấu hiệu ách tắc khi nhiều cửa khẩu Trung Quốc tạm ngưng hoạt động do nghi ngại virus corona lây lan từ thủy sản nhập khẩu ra cộng đồng.
Tháng 6, người ta phát hiện dấu vết virus corona trên tấm thớt của một cửa hàng bán cá hồi nhập khẩu tại khu chợ đầu mối Xinfadi (Tân Phát Địa) thuộc quận Fengtai (Phong Đài) ở phía Tây Nam thủ đô Bắc Kinh.
Tuy nhiên, manh mối chỉ dừng tại đó, không xác định đâu là nguồn lây trực tiếp, từ người bán, từ khách hay từ cá hồi.
Các chợ thủy sản lớn ở Trung Quốc đã tiến hành các xét nghiệm Axit Nucleic (NAT) cho nhân viên và các mẫu môi trường như là một phản ứng nhanh với tình hình bùng phát dịch Covid-19 mới ở Bắc Kinh.
Kể từ tháng 6, sự cố ở chợ Xinfadi (Bắc Kinh) đã tác động không nhỏ đến thị trường thủy sản nhập khẩu trên khắp Trung Quốc và chuỗi cung ứng thế giới, trong đó có cá tra Việt Nam.
Các thành phố bao gồm Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông phía Nam Trung Quốc, thành phố Thiên Tân, Thành Đô ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc cũng đã tiến hành xét nghiệm NAT đối với các nhân viên thị trường bán buôn và mẫu môi trường, đặc biệt là cá hồi tại chợ bán buôn thịt đông lạnh và thủy sản và nhà hàng.
Tất cả các xét nghiệm này cũng đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu cá tra của Trung Quốc đã bị gián đoạn.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu trực tiếp 59.000 tấn philê cá tra đông lạnh, vẫn tăng 44% so với cùng kì năm 2019.
Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm 69.000 tấn so với khối lượng nhập khẩu trong 5 tháng trước đó (từ tháng 8 - tháng 12/2019).
Trong thời gian này, Trung Quốc đã nhập khẩu 128.000 tấn phi lê cá tra. Ngoài ra, giá trị nhập khẩu từ tháng 8 - tháng 12/2019 đạt 257 triệu USD, cao gấp đôi giá trị nhập khẩu từ tháng 1 - 5/2020.
Trong tháng ba, các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tìm cách đưa các sản phẩm cá tra trở lại thị trường Trung Quốc sau thời gian phong tỏa, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu không chuyển biến rõ rệt.
Trong tháng 4, nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ mức 8.000 tấn trong tháng ba lên mức 19.000 tấn, cho thấy Trung Quốc tăng dần mức nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngay sau đó, do nguồn cá trong nước cũng đang thừa nên việc nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra bắt đầu chậm và giảm dần.
8 tháng đầu năm nay, các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm cá tra sau đây sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông: Cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy,….
Hiện có khoảng gần 120 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Trong đó, 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông trong thời gian này là: IDI Corp; TG FISHERY và GODACO.