Tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế - thương mại Việt Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh", ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết dịch Covid-19 gây thiệt hại kép đối với ngành dệt may Việt Nam.
Đầu tiên, Covid-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Bắt đầu từ cuối tháng 3, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng do đó tình hình xuất khẩu ngành dệt may trở nên ảm đạm.
Quí I, kim ngạch xuất khẩu giảm 2%. Sang quí II, kim ngạch giảm sâu tới 27%, quí III bắt đầu khá hơn một chút. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 25,7 tỉ USD, giảm hơn 11% so với cùng kì năm ngoái.
"Năm nay chúng tôi dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam chỉ có khả năng đạt 35 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2019. Đây là mức giảm rất sâu", ông Cẩm nhận định.
Các doanh nghiệp trong ngành tìm mọi cách kiếm được đơn hàng để duy trì đơn hàng, không phải xa thải người lao động, đảm bảo đời sống người lao động.
Trước đó, ngày 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kì, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết tác động của dịch Covid-19 khiến đơn hàng dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ tính đơn hàng từng tháng, từng tuần.
Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quí cuối năm.
"Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất.
Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trong báo cáo tình hình sản xuất, thương mại 9 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho biết trong 9 tháng năm 2020, Bộ Công Thương cho biết Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỉ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỉ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.
Ông Cẩm cho biết sắp tới Anh rời khỏi EU để khai thác thị trường này tốt nhất, hiệp hội mong muốn chính phủ Việt Nam và Anh sớm kí được hiệp định thương mại tự do.
"Chúng tôi cũng rất mong muốn hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam là cầu nối khai thác tốt thị trường. Các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Cẩm nói.
Nói về điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay trong tiến trình hội nhập, ông Cẩm cho biết khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải chưa phát triển. Trong khi đó, hiệp định EVFTA yêu cầu phải đảm bảo qui tắc xuất xứ từ vải.
"Chúng tôi kiến nghị chính phủ tạo điều kiện để ngành tự sản xuất được vải", ông Cẩm nói.
Vị này cho biết hiện dệt may Việt Nam tại thị trường EU vẫn đang đứng ở vị trí khá khiêm tốn. Năm 2018, thị phần mặt hàng dệt may của Việt Nam đứng thứ 6 các nước. Tuy nhiên sang năm 2019, con số này được nâng lên thứ hạng 5.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh khó khăn này, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn – kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong nước, bình ổn thị trường.
Đồng thời Bộ Công Thương đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.