Xuất khẩu dệt may cuối năm trông chờ 'cứu cánh' EVFTA

Hầu như chưa có đơn hàng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc EVFTA có hiệu lực "đúng lúc" được kì vọng sẽ giúp dệt may vực dậy sau cú trượt dài vì Covid-19.

Quí III và quí IV mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương cho biết sản xuất dệt tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%.

Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kì năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỉ USD, giảm hơn 12%; vải mạnh, vải kĩ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm gần 21% so với cùng kì năm 2019.

Có thể thấy, với ngành dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, trong quí I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quí I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quí II/2020.

Càng cuối năm càng khó, xuất khẩu dệt may trông chờ 'cứu cánh' EVFTA - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kì năm ngoái. (ĐVT: tỉ USD). Nguồn: Tổng cục thống kê. Đồ họa: Như Huỳnh.

Dưới tác động tiêu cực đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đều sụt giảm dẫn đến kết quả quí II không mấy khả quan. 

Cụ thể, tính riêng quí II/2020, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kì, giá vốn hàng bán chiếm tới 91% trong doanh thu thuần nên lãi gộp đạt 280 tỉ đồng, giảm 36% so với quí II/2019.

Trong khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5% so với cùng kì, đạt 7.046 tỉ đồng, LNST đạt 276 tỉ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019.

Tương tự Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG, doanh thu quí II của doanh nghiệp cũng sụt giảm 14%, đạt 1.066 tỉ đồng. Nửa đầu năm, TNG giảm 10% doanh thu còn 1.840 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 66 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kì.

Với May Sông Hồng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không sáng sủa trong 6 tháng qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II, May Sông Hồng đạt doanh thu thuần 962 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì 2019. Lãi sau thuế đạt 58 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kì. Luỹ kế 6 tháng, lãi giảm 44%, về mức 122 tỉ đồng.

Tại cuộc họp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinatex đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. 

Ông cho rằng, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. 

Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại khi mà thế giới đang bước vào thời kì không thể kiểm soát được dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì quí III và quí IV của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.

Đây cũng là nhận định của Bộ Công Thương khi cho biết tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quí cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh

Đặc biệt tại Mỹ, mỗi ngày vẫn có thêm 50.000 -60.000 người nhiễm mới và một số bang vẫn phải tiếp tục đóng cửa, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quí II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, tại thị trường Việt Nam, qui mô ngành dệt may đã vượt quá xa nhu cầu nội địa với tỉ trọng xuất khẩu chiếm 90% và 10% còn lại phục vụ nhu cầu trong nước. Việc trông đợi vào thị trường nội địa làm cứu cánh cho xuất khẩu ngưng trệ là điều không hề dễ dàng.

Kì vọng EVFTA vực dậy ngành dệt may

Theo dự báo của của Bộ Công Thương, theo chu kì hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết… và các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội sẽ kích cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần.

Cùng với đó, từ 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được thực thi với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu. 

Điều này sẽ mở ra thị trường xuất khẩu lớn với 500 triệu dân, trong đó ngành may mặc được hưởng lợi nhiều khi được giảm thuế nhập khẩu về 0%... Do đó, ngành dệt may được kì vọng sẽ vực dậy trong thời gian tới.

Càng cuối năm càng khó, xuất khẩu dệt may trông chờ 'cứu cánh' EVFTA - Ảnh 1.

EVFTA được xem là "cứu cánh" của ngành dệt may trong những tháng cuối năm. (Ảnh: Vinatex).

Để ngành dệt may tận dụng tốt lợi thế của EVFTA cần sớm triển khai cho doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA. Hiện tại xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi GSP doanh nghiệp đã tự chứng nhận xuất xứ.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết bộ sẽ triển khai xử lí ngay để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hội nhập với thị trường EU. Đơn cử như thông tư hướng dẫn về quy tắc xuất xứ về nguyên liệu áp dụng nguyên tắc cộng gộp từ Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Hiện nay văn bản hướng dẫn Bộ Công Thương đang thúc đẩy nhanh để có thể ban hành trong tháng 8 để có văn bản với Hàn Quốc, sắp tới là Nhật Bản.

Về phía doanh nghiệp, những việc cần làm là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU. 

Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và qui trình quản lí do EU qui định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo qui tắc xuất xứ.

Còn theo ông Trường, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm 10% năng lực. Song đây sẽ là giải pháp giải quyết việc làm đáng kể cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp dệt may cũng cần hạn chế sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục", đại diện Vinatex khuyến cáo.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.