Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,03 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kì năm 2019.
Mỹ (1 tỉ USD, tăng 7%), Nhật Bản (913,63 triệu USD, giảm 2,9%), EU (661,25 triệu USD, giảm 17,35%) Trung Quốc (700,57 triệu USD, giảm 3,3%) và Hàn Quốc (491,44 triệu USD, giảm 2,6%) là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kì 2019.
Điều đó phản ánh tác động tích cực của Hiệp định trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó thay đổi rõ rệt và tích cực nhất là tôm, mực, bạch tuộc.
So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0% như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.
Sản phẩm cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%.
Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU.
Điều quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản dự báo xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp lễ, tết cuối năm.
Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến do Undercurrent News tổ chức, sản lượng tôm năm 2020 toàn cầu dự báo đạt khoảng 3,17 triệu tấn, giảm 16% so với năm 2019.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết có những tín hiệu tích cực như nhu cầu thị trường nhích lên với phân khúc hải sản đồ hộp, đông lạnh, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn.
Giao dịch điện tử, bán lẻ online vẫn bù đắp được cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, cũng hỗ trợ cho xuất khẩu hải sản khác của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Do vậy, VASEP cho rằng xuất khẩu hải sản khác của Việt Nam những tháng cuối năm dự báo tăng nhẹ, mặc dù vẫn chịu tác động của dịch bệnh Covid tại các thị trường NK lớn.