Xúc động bức thư của Nguyên trưởng khoa Báo chí gửi đến phóng viên Đinh Hữu Dư

“Em còn trẻ, nhưng đủ để lại một nhân cách sáng, một tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên báo chí noi theo. Nhắc đến em, mắt lại cay xè. Vì thầy cũng đã trải qua một thời gian khó gần như vậy”.

LTS: Khoảng 12 giờ ngày 11/10, khi đang tác nghiệp ghi hình trên cầu Thia (gồm năm nhịp thuộc tỉnh lộ 174 nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ) phóng viên Đinh Hữu Dư đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích khi hai nhịp cầu bất ngờ đổ sập xuống dòng nước lũ.

Ngày 13/10, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư đã được tìm thấy ở một địa điểm cách xa nơi xảy ra tai nạn gần 100 km, theo đường suối. Sự ra đi của phóng viên Đinh Hữu Dư đã để lại niềm bàng hoàng không nguôi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Chúng tôi xin đăng bức thư của PGS. TS Nguyễn Văn Dững - Nguyên trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) gửi đến phóng viên Đinh Hữu Dư trong niềm xúc động nghẹn ngào.

xuc dong voi buc thu cua nguyen truong khoa bao chi gui den phong vien tu nan
Anh Đinh Hữu Dư - Phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái.

“Hạt bụi nào hoá kiếp thân em.

Không ai có thể cầm được nước mắt khi về "nhà" em thắp một nén nhang, tiễn biệt em - Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái, cựu sinh viên K27 (2007 - 2011), Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhà để trong ngoặc kép, bởi bạn phải nhìn thật kỹ và có người giới thiệu thi mới biết, nếu không, cứ ngỡ đấy là cái gì đó. Chẳng hạn như cái bể chứa nước mưa lâu ngày móc rêu phủ úa, hoặc như cái lô cốt thời nào nửa chìm nửa nổi, có cái lỗ chui ra chui vào, bé tí, phải khom lưng... tuỳ theo góc nhìn.

Nhìn kỹ ảnh để nhận ra ngôi nhà mà em Dư đã sống với bà suốt 11 năm học phổ thông. Chỗ đất này bà nội mất thì bố mẹ cũng bán để trang trải. Còn năm lớp 12 thì bà cất được một gian nhà tôn, nay đặt bàn thờ để mọi người viếng cháu ngoại. Còn quang cảnh xung quanh bà con xóm phố, nhà nào cũng ba tầng mái ngói đỏ tươi, hai bên con ngõ rộng cho xe 30 chỗ ra vào...

Thắp nén nhang vĩnh biệt em mà lòng nặng trĩu mãi. Từ hôm ở Miền Tây nghe tin em bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp, thầm tự trách mình. Giá như, biết hoàn cảnh em từ khi em đang học.

Em thi đỗ vào học K27 rồi ra trường, mà bao sinh viên mỗi khoá, biết sao được. Em Dư lại kín tiếng, chịu đựng, sống nội tâm, nghiến răng chịu đựng nuốt vất vả vào trong. Bao lần nhắc giáo viên chủ nhiệm nắm lớp, hiểu sinh viên để có thể giúp các em, từ tư vấn học hành, tình cảm đến nghề nghiệp, cuộc sống... Vậy mà em ra đi mãi mãi, mình mới biết cảnh đời này. Vừa ân hận, xót xa, vừa tự hào về học trò mình.

Tôi thật sự biết em khi học xong chương trình thạc sĩ, chuẩn bị đăng ký đề tài luận văn tốt nghiệp, cao học K17. Cuối buổi học, em nán lại khi tôi đang gấp laptop và bước lại gần, cười nhẹ và nói:

- Thầy có thể giúp em làm luận văn tốt nghiệp được không?

Tôi thích những sinh viên và học viên chủ động như thế.

- Em đi làm đâu chưa?

- Dạ, em đang thử việc ở Thời nay và định xin vào báo Nhân Dân.

- Thế tốt. Em làm báo Nhân Dân hợp đấy. Mình nghĩ bụng, cậu này lỉm rỉm, hiền, học có chiều sâu, biết tư duy nghề, hợp với nơi đây. Và nhất định sẽ hướng bạn này đi theo hướng chính luận báo chí.

Thú thực, tôi nghĩ nhiều về việc nền báo chí ta cần đội ngũ chính luận trẻ, nhưng phải tìm được sinh viên phù hợp và có tố chất phát triển theo hướng này. Mà tìm khó chứ không đơn giản. Sinh viên bây giờ phần lớn lướt web chứ ít bạn chịu đọc sách. Mà chỉ thích lướt web thì chỉ đi săn tin là chính chứ khó hình thành tư duy logic hệ thống để hình thành luận điểm, luận chứng, luận cứ để có thể rèn đúc tư duy và thành cây bút chính luận...

- Em định về báo Nhân Dân thì nên đi theo hướng báo chí chính luận. Và em có thể làm về phong cách chính luận nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh được không? Em về suy nghĩ đi nhé, vài hôm sau ta trao đổi...

Khoảng tuần sau, em gặp và nhất trí làm đề tài Tìm hiểu phong cách báo chí chính luận Nguyễn Hữu Chỉnh trên báo Nhân Dân. Khi luận văn xong xuôi, em đến nhà chơi, nói chuẩn bị bảo vệ luận văn. Tôi lấy chai rượu ngâm táo mèo ra, hai thầy trò lôi rượu ra nhâm nhi chúc mừng hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Trong câu chuyện, tôi có hỏi gia đình nhưng em chỉ trả lời một hai câu, thoáng buồn như không muốn nói. Và giữ ý, tôi không hỏi nữa, chuyển sang câu chuyện chuẩn bị hành trang cho nghề báo ngày nay...

Không hề biết em lên Hà Nội học thuê trọ một phòng không cửa sổ, bé tẹo đủ chui ra chui vào nhưng có lẽ còn khá hơn cái hầm mà gia đình em và bà đã chui ra chui vào suốt hơn 10 năm.

Không hề biết bố mẹ em phải bươn chải hết chỗ nọ đến chỗ kia, cho đến hôm nay vẫn không có chỗ để đặt lư hương cho em an nghỉ. Không hề biết việc em lên Hà Nội là tự lập hoàn toàn, tự kiếm sống nuôi thân và lo học hành.

Không hề biết từ khi ra trường, đi thử việc rồi đi làm, mỗi tháng chắt chiu tiết kiệm gửi về giúp bố mẹ 3 triệu đồng. Và từ khi vợ chồng em gái ly hôn, em nhận nuôi hai đứa con em gái mình.

Và dù mới vào nghề, em đã đoạt giải báo chí, lên thường trú Yên Bái một năm đã kịp giúp góp sách cho một thư viện vùng cao. Lần nào về Hà Nội, cũng gom góp và cõng sách lên theo.

Mới biết, khi viết về một doanh nghiệp, doanh nghiệp đó cho người đem đến cục tiền để ngưng phanh chuyện tiêu cực, nhưng em từ chối một mực. Em thật tuyệt vời - một thanh niên, một phóng viên trẻ bản lĩnh, nhân cách và có chí lập nghiệp, rèn nghề và tìm cách giúp người nghèo hơn, khó khăn hơn...

Em ra đi trong cơn lũ thịnh nộ từ rừng bị phá để cho quan giàu nhà biệt phủ và bao nhiêu dân lành chịu cảnh lầm than. Và em để lại bao dòng nước mắt cho anh chị em đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè...

Em còn trẻ, nhưng đủ để lại một nhân cách sáng, một tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên báo chí noi theo.

Nhắc đến em, mắt lại cay xè. Vì thầy cũng đã trải qua một thời gian khó gần như vậy”.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.